Ủy ban “ôm” việc của tòa án?

Bà L. (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) và ông Đ. cùng tranh chấp 6.000 m2 đất. Theo bà L., ông Đ. đã nhượng cho bà phần đất này vào năm 1982. Sử dụng đến năm 1987, bà cho ông Đ. mượn lại đất để trồng cây bạch đàn. Năm 1995, bà L. đòi ông Đ. trả đất.

“Quyết định cuối cùng” bị thay thế

Tháng 3-1995, ông Đ. viết giấy tay giao cho bà L. 3.000 m2 đất nhưng lại thuộc thửa khác. Bà L. đồng ý nhận. Tuy nhiên, một người khác tranh chấp với ông Đ. phần đất này và được công nhận quyền sử dụng hợp pháp vào năm 2001. Rốt cuộc bà L. vẫn chưa đòi được đất nên khiếu nại.

Tháng 9-2003, qua kết quả xác minh nội dung đơn khiếu nại của chánh thanh tra huyện, chủ tịch UBND huyện Thống Nhất (nay là huyện Trảng Bom) đã ban hành quyết định giải quyết tranh chấp. Theo đó, ông Đ. phải giao trả 3.000 m2 đất đã mượn của bà L. nằm tại thửa ban đầu. Không đồng ý, ông Đ. khiếu nại.

Tháng 4-2004, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giải quyết khiếu nại và bác đơn của ông Đ. Quyết định này được xác định là “quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng”. Năm 2005, bà L. được cấp “giấy đỏ” cho 3.000 m2 đất được trả lại.

Ông Đ. tiếp tục khiếu nại lên cơ quan thanh tra. Tháng 9-2007, sau khi nghe Thanh tra tỉnh báo cáo kết quả rà soát hồ sơ, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cung cấp hồ sơ giải quyết lần đầu cho Thanh tra tỉnh để nghiên cứu kỹ đơn khiếu nại trước đây của bà L.

Sau đó, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phủ nhận toàn bộ quá trình giải quyết khiếu nại trước đó. Cụ thể, 3.000 m2 đất mà ông Đ. cam kết giao cho bà L. là thuộc thửa này nhưng đất hai bên tranh chấp lại thuộc thửa khác. Bà L. chẳng có giấy tờ chứng minh đã mua đất, cho mượn đất nên không có quyền lợi liên quan gì đến phần đất thuộc thửa ban đầu.

Tháng 10-2007, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định “có hiệu lực thực hiện” để thay thế “quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng” đã ban hành hồi tháng 4-2004. Theo đó, ông Đ. không phải trả đất cho bà L., phía bà L. bị thu hồi “giấy đỏ”. Tháng 11-2007, UBND huyện Trảng Bom ban hành quyết định thu hồi “giấy đỏ” này.

Ủy ban có “ôm” việc của tòa án?

Năm 2005, bà L. được cấp “giấy đỏ”. Sau đó, UBND tiếp tục giải quyết tranh chấp đất (đã có “giấy đỏ”). Liệu UBND có “xí” việc của TAND?

Có hai luồng quan điểm trái ngược nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng UBND đã ôm việc của TAND. Bởi theo khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai, tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ hợp lệ thì do TAND giải quyết. Nghĩa là tranh chấp sau khi có “giấy đỏ” phải chuyển sang cho tòa án giải quyết.

Quan điểm này cũng phản đối việc UBND thu hồi “giấy đỏ” của bà L. Bởi một khi thẩm quyền giải quyết tranh chấp đã chuyển sang TAND, UBND chỉ có quyền thu hồi “giấy đỏ” nếu có án tuyên của tòa.

Quan điểm ngược lại cho rằng không thể dựa vào “giấy đỏ” bà L. được cấp để khẳng định UBND đã “xí” quyền của TAND. Vì “giấy đỏ” này không hề có sẵn từ ban đầu mà là kết quả của quá trình giải quyết khiếu nại. Quá trình giải quyết khiếu nại sau khi “giấy đỏ” được cấp không tách rời quá trình giải quyết khiếu nại trước đó.

Mặt khác, theo Điều 21 Nghị định 84 ngày 25-5-2007 của Chính phủ, “nếu cơ quan thanh tra kết luận là giấy chứng nhận đã cấp trái với quy định pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp”. Trong vụ việc này, cơ quan thanh tra đã có ý kiến rằng việc buộc ông Đ. trả 3.000 m2 đất tại thửa ban đầu là không đúng. Đây chính là cơ sở để UBND huyện Trảng Bom ra quyết định thu hồi “giấy đỏ” đã cấp cho bà L.

Bà L. ấm ức: “Nếu không mượn đất của tôi, việc gì ông Đ. phải viết giấy tay trả đất cho tôi? Tôi khiếu nại và được xét trả 3.000 m2 đất đúng thửa. Cớ sao cơ quan chức năng cứ cho rằng chúng tôi tranh chấp thửa khác để thu hồi “giấy đỏ” của tôi?”.

THỤY CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm