Ưu ái cho người chiếm đất

Năm 1984, ông Lê Đình Tài được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai đồng ý cho sử dụng 400 m2 đất tại phường Tân Phong, TP Biên Hòa (Đồng Nai) để canh tác. Sau đó, ông Tài cất lên một căn nhà bằng tôn ván để ở cho đến nay và đóng đầy đủ thuế nhà đất.

Người chiếm đất lại được cấp chủ quyền

Năm 1995, ông Mai Xuân Chấp và con trai đã bao chiếm, xây cất trái phép hai căn nhà tạm (khoảng 50 m2) trên đất của ông Tài, trong đó có một căn sau này con gái ông Chấp sử dụng.

Giải quyết khiếu nại của ông Tài, UBND phường Tân Phong hai lần đến lập biên bản tạm đình chỉ xây dựng... Tuy nhiên, thay vì giải quyết dứt điểm tranh chấp, UBND TP Biên Hòa lại cấp giấy chủ quyền nhà, đất cho hai người con của ông Chấp vào năm 2003.

Biên bản đo đạc hiện trạng do phường lập ngày 18-12-1995 ghi rõ: Phần nhà mà ông Chấp và con trai xây dựng không phép nằm trên diện tích đất ông Tài được cấp. Ấy thế mà khi xét cấp giấy chứng nhận cho hai người, phường lại đồng ý cấp giấy với lời ghi “sử dụng ổn định, không tranh chấp”. (Sau này, bản án của TAND TP Biên Hòa xét xử vụ tranh chấp cũng đã nhận định: “Đây là việc làm sai trái của phường. Các thành viên Hội đồng đều biết rõ đất đang tranh chấp nhưng làm ngơ”.)

Chưa hết, trong hồ sơ xin cấp chủ quyền nhà, đất của hai người, hai chữ ký của ông Tài và một người chủ lân cận khác trong biên bản thỏa thuận về ranh giới thửa đất bị giả mạo. Dấu hiệu gian dối này không được làm rõ để xử lý.

Lật lại án đúng không?

Tại phiên xử sơ thẩm tháng 9-2005, TAND TP Biên Hòa nhận định việc khai nại của hai người con ông Chấp về nguồn gốc đất không có cơ sở để chấp nhận, việc cấp giấy chủ quyền cho họ là sai. Tòa này đã tuyên buộc hai người trả lại cho ông Tài phần diện tích đất đã lấn chiếm, đồng thời hủy hai giấy chủ quyền nhà, đất đã cấp không đúng luật. Bản án cũng tuyên: Tạm giao cho ông Tài sử dụng phần đất nói trên. Ông Tài có thể liên hệ với các cơ quan chức năng để làm thủ tục kê khai cấp chủ quyền theo quy định.

Bản án sơ thẩm bị các bị đơn kháng cáo. Song dù đã được triệu tập xét xử hai lần nhưng hai bị đơn đều vắng mặt nên TAND tỉnh Đồng Nai ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, công nhận bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

Tưởng rằng ông Hải có thể đi xin cấp giấy chứng nhận ngay sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực nhưng không phải vậy.

Ngày 27-7-2007, TAND tỉnh Đồng Nai đã ký văn bản đề nghị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định đình chỉ xét xử nêu trên vì vi phạm thủ tục tố tụng. Lý do: người được các bị đơn ủy quyền tham dự phiên tòa không nhận được giấy triệu tập lần hai nên không biết để tới dự.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV thì lý do trên không chính xác. Người được các bị đơn ủy quyền thừa nhận: Qua hai lần TAND tỉnh Đồng Nai triệu tập xét xử phúc thẩm, ông đều nhận được giấy triệu tập nhưng không đến dự phiên tòa là theo yêu cầu của các bị đơn (!). Sự thừa nhận này cho thấy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai là có cơ sở.

Chưa biết vụ án trên có được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hay không nhưng trước mắt ông Tài đang bị thiệt hại. UBND phường Tân Phong đề nghị thu hồi biên bản xét duyệt hồ sơ nhà, đất của ông Tài; Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Biên Hòa cũng từ chối xét cấp giấy chủ quyền cho ông Tài để chờ kết quả giải quyết cuối cùng.

THÁI HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm