Ứng phó kịp thời để thương hiệu đỡ tổn hại

Dù không nói huỵch toẹt trên các báo nhưng có vẻ như các công ty đã nghi ngờ có đối thủ nào đó bày trò hạ gục mình.

Trong thời buổi mà việc cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt như hiện nay, khả năng trên không phải không có. Nhưng dù thế nào thì doanh nghiệp cũng phải nghĩ ngay đến việc bảo vệ tên tuổi của mình. Nói như tiến sĩ Trần Ngọc Châu mà có lần Báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải: “Khoan nói vì công chúng hay vì ai khác, đầu tiên anh hãy vì bản thân anh đi. Anh sẽ cảm thấy rằng anh có trách nhiệm với nhãn hiệu của mình. Anh phải giải thích cho công chúng. Đương nhiên doanh nghiệp không thể giải thích cho từng người một, do đó mà phải sử dụng truyền thông đại chúng”.

Nhưng trên thực tế, không hiểu sao các doanh nghiệp lại có phần dè dặt, ít lời. Như ở trường hợp của Công ty Mead Johnson, trước câu hỏi “Vì sao chưa đối chứng bằng cách xét nghiệm lại lấy đúng lô sản phẩm mà khách hàng đã xét nghiệm?”, đại diện công ty đã không trả lời thẳng vào vấn đề mà chỉ thanh minh rằng “khách hàng không hợp tác”, “khó thống nhất vì phải làm việc qua e-mail”. Rồi tại sao công ty lại gửi mẫu đến hai nơi khác (trong đó có một trung tâm kiểm nghiệm thuộc công ty) để kiểm nghiệm mà không phải là hai nơi khách hàng đã kiểm nghiệm? Rất tiếc, người đọc báo đã không tìm thấy đầy đủ thông tin cần thiết từ phía công ty.

Vì là mặt hàng thiết yếu của nhiều gia đình nên chắc chắn những thông tin liên quan đến chất lượng sữa luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngoài việc khẩn trương hợp tác với người khiếu nại để có thể sớm tìm ra một kết quả kiểm nghiệm thuyết phục nhất, công ty nên cố gắng giải thích cặn kẽ, ngọn ngành các thắc mắc, góc khuất của sự việc. Chỉ có cách làm đơn giản và ít tốn kém này, công ty sẽ góp phần giải tỏa các nghi vấn xung quanh, giữ vững được uy tín của chính mình.

Cũng xin được lưu ý, trước giờ hiếm có khách hàng bỏ công gửi mẫu sữa của một công ty lớn đi kiểm nghiệm. Việc làm của chị khách hàng trong trường hợp cụ thể này buộc các doanh nghiệp phải thường xuyên đau đáu với chất lượng của sản phẩm để có thể giữ chân khách hàng được lâu dài. Có thể vì muốn nhận được sự ủng hộ của số đông người tiêu dùng, chị đã đẩy nội dung vụ việc lên blog rồi cư dân mạng đã đẩy vụ việc lên một trang web, khiến tên tuổi của công ty cứ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần với ý không hay. Đồng ý là công ty có quyền khởi kiện những đối tượng mà công ty cho rằng đã xúc phạm đến công ty theo luật định nhưng có lẽ việc cần làm trước mắt là công ty phải nhanh chóng dẹp tan những tin đồn thổi (nếu có) sao cho thật chuyên nghiệp và đầy bản lĩnh.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.