Ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND phải qua hiệp thương mấy lần?

Người được giới thiệu và tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND phải trải qua mấy lần hiệp thương, thời gian hiệp thương kéo dài bao lâu?

Nguyễn Tiến Hùng (Huyện Nhà Bè, TP.HCM)

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Trưởng Văn phòng luật sư Trần Công Ly Tao (TP.HCM), trả lời: Theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND thì việc hiệp thương, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ được tổ chức ba lần.

Lần thứ nhất: Tổ chức chậm nhất 95 ngày trước ngày bầu cử. Đối với bầu cử ĐBQH thì mục đích của hội nghị lần này thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH. Đối với bầu cử đại biểu HĐND các cấp thì hội nghị này thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Lần thứ hai: Tổ chức chậm nhất 65 ngày trước ngày bầu cử. Trên cơ sở hiệp thương lần 1, hiệp thương lần này lập danh sách sơ bộ những người ứng cử và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Đối với người tự ứng cử thì còn lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có). Cử tri ở nơi người ứng cử cư trú, công tác là những người thường xuyên gần gũi, sâu sát với người ứng cử. Họ là người có gần như đầy đủ thông tin về lối sống, đạo đức, bản lĩnh và nhận thức chính trị cũng như năng lực của người ứng cử, vì vậy cần có sự tín nhiệm của cử tri nơi đây trước khi trở thành ứng cử viên chính thức.

Lần thứ ba: Tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử. Mục đích của lần hiệp thương này là lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp. Đây là lần hiệp thương quan trọng vì từ lần hiệp thương này sẽ hình thành danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử để trình Hội đồng Bầu cử Quốc gia lập và công bố danh sách chính thức về những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm