Từ vụ ồn ào của Hoài Linh, nên làm từ thiện như thế nào?

Câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh chậm cứu trợ đồng bào miền Trung sau khi nhận tiền từ các nhà hảo tâm gửi đến đặt ra vấn đề là làm từ thiện như thế nào để vừa mang đúng nghĩa từ thiện, hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời vừa an toàn cho bản thân.

Chuỗi quán cơm Nụ Cười, một điểm tựa của người nghèo, do ông Nam Đồng phụ trách đã duy trì  được nhiều năm nay. Ảnh: THANH MẬN

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM và cũng là người xây dựng hệ thống chuỗi quán cơm từ thiện Nụ Cười.

. Phóng viên: Thưa ông, mấy hôm nay truyền thông có đưa tin về việc nghệ sĩ Hoài Linh nhận tiền từ thiện từ năm ngoái mà chưa đi trao cho đồng bào bị thiên tai, ý ông như thế nào?

Ông Nam Đồng. Ảnh: THANH MẬN

+ Ông Nam Đồng: Tôi rất mê và quý trọng nghệ sĩ Hoài Linh, tôi tin là ông ấy không có gian ý gì đâu. Mà nếu có gian ý thì cũng không được.

Cái sai của nghệ sĩ Hoài Linh ở đây nhiều người cũng đã nói tới là sự “dễ dãi” để quá lâu mà chưa trao đến tận tay người được giúp đỡ là “sinh chuyện”. Đây cũng là kinh nghiệm xương máu cho những người làm từ thiện.

. Thưa ông, chuỗi quán cơm Nụ Cười đến nay đã được chín năm, xin ông cho biết bí quyết nào để tồn tại lâu như vậy? Ước tính sơ qua với sáu quán chi phí trong thời gian qua cũng đã cả trăm tỉ đồng.

+ Có hai bí quyết, một là về an toàn vệ sinh thực phẩm phải thật nghiêm ngặt, bạn tưởng tượng nếu có ai đó ăn ở quán cơm Nụ Cười mà đau bụng, báo chí hoặc mạng xã hội hê lên thì cả chuỗi quán cơm tiêu đời. Hai là mọi sự chi thu đều phải minh bạch, đây là vấn đề mà mấy hôm nay truyền thông đã đề cập tới.

. Ông có thể nói cụ thể hơn về sự minh bạch trong từ thiện?

+ Nhận của ai dù chỉ một ngàn đồng hay vài chục triệu cũng phải công khai. Chi hằng ngày từ bó rau, một lạng thịt cũng phải công khai. Các quán cơm đều có trên trang web quỹ từ thiện Bông Sen. Việc thu chi phải cập nhật hằng ngày.

Tôi nhấn mạnh thu chi phải cập nhật hằng ngày là vì tâm lý người gửi muốn biết quán có nhận được không. Ngoài việc bán cơm ba món 2.000 đồng còn có những chuyến đi từ thiện trao học bổng giúp đồng bào bị thiên tai, giúp xây trường… Chi phí này có một quỹ riêng đó là quỹ từ thiện, tiền quỹ lấy từ việc bán “cơm heo” (cơm thừa dành để bán cho heo) hoặc bán gạo, giữ xe... Gạo để lâu xuống cấp, phải bán đi, đi giúp đỡ những nơi xa, chi phí vận chuyển cũng tốn kém.

 Khi bán phải lập một hội đồng, bán bao nhiêu gạo, giá tiền bao nhiêu, phải công khai. Quỹ cũng được Công ty Kiểm toán Ernst & Young kiểm toán một năm hai lần.

. Xin cám ơn ông.

 

Luật sư LÊ NGUYỄN LÊ VIĐoànLuật sưTP.HCMngười thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện:

Nhận từ thiện như thực hiện hợp đồng dân sự

Từ vụ ồn ào của Hoài Linh, nên làm từ thiện như thế nào? ảnh 3
Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi

Với tôi, việc nhận tiền, hiện vật từ nhà hảo tâm để giao cho người nhận giống như thực hiện một hợp đồng dân sự. Khi làm cần phải có chứng từ rõ ràng, công khai, minh bạch những khoản nhận và chi ra kịp thời cho mọi người biết. Người làm từ thiện phải có trách nhiệm với số tiền, hiện vật mình đã nhận để làm sao những thứ được trao đến tay người nhận đúng ý nguyện của người muốn trao.

TS LÊ MINH CÔNGPhó Trưởng Khoa công táchội, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM:

Từ thiện cũng cần chuyên nghiệp

Từ vụ ồn ào của Hoài Linh, nên làm từ thiện như thế nào? ảnh 4
TS Lê Minh Công

Việc gây quỹ và sử dụng quỹ cần phải được minh bạch, nhất là phải được các quỹ quản lý, điều hành một cách chuyên nghiệp. Các quỹ và người gây quỹ tuyên bố rõ ràng về mục tiêu, chiến lược ngay từ ban đầu. Nếu mục đích của việc hỗ trợ là khẩn cấp thì phải được hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời. Đồng thời, người gây quỹ, các quỹ phải giám sát việc này một cách chặt chẽ, minh bạch; thậm chí phải có kiểm toán độc lập.

Nếu chúng ta làm từ thiện vài chục, vài trăm ngàn hoặc chỉ là một dự án nhỏ hỗ trợ các nhóm yếu thế thì rất dễ. Nhưng nếu huy động một nguồn tài chính lớn đến vài tỉ hoặc vài chục tỉ, huy động sự tham gia của đông người thì cần phải có các quỹ chuyên nghiệp quản lý. Như vậy mới có được sự rõ ràng, minh bạch, nguồn quỹ mới đến đúng mục đích, đúng đối tượng được hưởng lợi. Chính phủ cần phải xây dựng khung pháp lý và có giám sát chặt chẽ các hoạt động gây quỹ và sử dụng nguồn quỹ, nếu không rất dễ xảy ra những trường hợp đáng tiếc không mong muốn.

Ông PHẠM TRƯỜNG SƠNchuyên gia lĩnh vực thiện nguyện tại TP.HCM:

Kêu gọi gây quỹ thì phải chịu giám sát của cộng đồng

Từ vụ ồn ào của Hoài Linh, nên làm từ thiện như thế nào? ảnh 5
Ông Phạm Trường Sơn

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định rõ ràng về việc cá nhân thực hiện tiếp nhận tiền từ người khác để làm từ thiện.

Vì thế, đối với những cuộc quyên góp từ thiện từ cá nhân sẽ được thực hiện thông qua việc công khai, minh bạch các khoản nhận và trao với nhau.

Trên thực tế thì cũng có một số cá nhân làm từ thiện bằng cách nhận từ người này trao cho nghèo rất tốt. Ví dụ như cách làm của ông Đoàn Ngọc Hải là rất đáng phải học hỏi bởi ông rất minh bạch trong những khoản thu chi. Như sáng nay, trên mạng cũng có văn bản ông Hải cam kết với ngân hàng mà ông mở tài khoản từ thiện. Theo đó, ông đã cam kết với ngân hàng là ông không được quyền rút ra với mục đích khác ngoài làm từ thiện. Bản cam kết đó không phải là công cụ luật pháp buộc ông thực hiện mà đây là công cụ về mặt trách nhiệm cá nhân trong việc nhận tiền của cộng đồng. Đây là cách làm khá hay trong việc thực hành thiện nguyện.

Đặt trường hợp nếu như một cá nhân dùng tiền của mình hoặc một nhóm nhỏ thì không cần có sự giám sát của cộng đồng. Tuy nhiên, nếu cá nhân nào đó đứng ra gây quỹ từ cộng đồng thì phải luôn đứng trước tâm thế phải trả lời hết những câu hỏi mà cộng đồng đặt ra.

Nếu cá nhân không chuẩn bị tốt những thắc mắc của cộng đồng thì không nên làm. Ngoài ra, đã kêu gọi gây quỹ từ cộng đồng thì cả những người không đóng tiền cũng có quyền được biết số tiền quyên góp ấy sẽ được dùng như thế nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm