Từ 1-6: Đi khám không cần đem thẻ BHYT?

Đây là nội dung đáng chú ý tại dự thảo thông tư quy định thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc lĩnh vực y tế nếu được ban hành, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017.

Theo dự thảo thông tư, nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung sẽ có lợi và tạo thuận tiện nhiều hơn cho người dân tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB).

Chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân

Dự thảo thông tư nêu rõ: Người tham gia BHYT khi đến KCB phải cung cấp số BHYT hoặc xuất trình thẻ BHYT có ảnh.

Trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải cung cấp số định danh cá nhân hoặc xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Thẻ căn cước, CMND, hộ chiếu, thẻ học sinh, sinh viên, học viên (đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi làm CMND), các giấy tờ có ảnh khác do cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nơi người đó đang công tác, làm việc cấp hoặc xác nhận.

Đối với trẻ em dưới sáu tuổi nếu không xuất trình thẻ BHYT thì vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh. Trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế hoặc người được thủ trưởng cơ sở y tế ủy quyền và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.

Tới đây, bệnh nhân sẽ dễ dàng hơn trong việc khám BHYT. Ảnh: HTD

Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến KCB người dân cũng có thể chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân; xuất trình giấy hẹn cấp, đổi thẻ hoặc một trong các loại giấy tờ theo quy định như trên là được.

Nếu người bệnh không mang theo thẻ BHYT tại thời điểm làm thủ tục KCB và không cung cấp được các thông tin như quy định trên thì thực hiện việc thanh toán như đối với người không có thẻ BHYT và chỉ được thanh toán chi phí KCB BHYT kể từ thời điểm xuất trình thẻ BHYT.

Khám bệnh chuyển tuyến đơn giản

Theo dự thảo, trường hợp người bệnh được chuyển tiếp đến cơ sở KCB khác thì chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở KCB nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi.

Trường hợp người bệnh đến cơ sở KCB không phải là cơ sở KCB BHYT ban đầu và sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở KCB khác thì chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở KCB nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi.

Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng tối đa 30 ngày kể từ ngày ký (quy định hiện hành chỉ có 10 ngày).

Trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được KCB tại cơ sở KCB trên địa phương đó tương đương với tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

Nếu địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở KCB khác có tổ chức KCB BHYT ban đầu.

Mua bảo hiểm y tế ở đâu?

Theo Điều 2 Nghị định 105/2014 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, người dân có thể mua BHYT tự nguyện tại phường, xã nơi sinh sống hoặc đến các cơ quan BHXH ở địa phương để mua BHYT tự nguyện năm 2017.

Mức đóng BHYT tự nguyện năm 2017 cho hộ gia đình như sau:

. Phí đóng BHYT tự nguyện người thứ nhất là 702.000 đồng/năm;

. Phí mua BHYT tự nguyện người thứ hai là 492.000 đồng/năm;

. Phí mua BHYT tự nguyện người thứ ba là 422.000 đồng/năm;

. Phí mua BHYT tự nguyện người thứ tư là 351.000 đồng/năm;

. Phí mua BHYT tự nguyện người thứ năm trở lên là 281.000 đồng/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm