Trộm vào nhà thì phải mời trà?!

Nội dung vụ án như sau: Khoảng 2 giờ 30 sáng 21-1-2014, cha con anh Nguyên Văn Trình (ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) phát hiện Phạm Văn K. (sinh năm 1999) đột nhập vào tiệm tạp hóa của gia đình. Do không biết số điện thoại của công an nên ngay sau khi bắt em K., Trình có gọi điện thoại cho ông Lê Nguyên Luyến (Trưởng ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình) để báo vụ việc. Trình gọi đến ba lần nhưng ông Luyến không nghe máy.
Thế là cha con bị cáo Trình bèn neo giữ em K. lại và tra hỏi: “Mày con ai?”. Do K. không nói nên Trình nắm hai tay của K. ra sau, dẫn ra ngoài cửa tiệm và trói K. vào gốc cây. Tiếp tục hỏi K. là con ai nhưng K. vẫn không trả lời nên Trình lấy dây trói hai chân K. rồi lấy dây cột vào sợi dây trói hai tay K., đầu dây kia vắt qua nhánh cây rồi kéo lên hạ xuống nhiều lần. Đến khi K. khai mình là con của ai, từng vào tiệm lấy trộm bốn lần thì Trình không kéo lên hạ xuống nữa.
Đến 4 giờ 40 sáng, Trình tiếp tục gọi điện thoại báo cho ông Luyến trưởng ấp, lần này thì ông đến đưa tên trộm về trụ sở ấp làm việc.
Ngày 10-9-2015, TAND huyện Chợ Lách (Bến Tre) xét xử sơ thẩm nhận định: Việc bị cáo Trình bắt em K. khi em này đang đột nhập vào nhà lấy trộm là thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang, việc bắt này là đúng; còn việc cha con bị cáo Trình tự ý giữ em K. trói, đánh mà không giao nộp cho cơ quan chức năng là sai. Từ đó tòa tuyên bị cáo Trình phạm tội giữ người trái pháp luật và phạt sáu tháng cải tạo không giam giữ.
Sau khi anh Trình bị khởi tố tội bắt giữ người trái pháp luật, cha anh cũng bị xem là đồng phạm. Quá trình điều tra, cha của anh Trình đã treo cổ tự vẫn.
Đến ngày 4-1-2016, tòa phúc thẩm vẫn tuyên phạt y án sơ thẩm đối với anh Trình.

Trộm vào nhà thì phải mời trà?! ảnh 1
Bị cáo Nguyễn Văn Trình tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10-9. Ảnh: Hoàng Nam 

Đây là vụ án báo Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần thông tin và đưa ý kiến phân tích của các chuyên gia luật về tính huống pháp lý liên quan đến vụ án này theo quan điểm chuyện không đáng để xử lý hình sự. Hàng trăm ý kiến bạn đọc từ khắp cả nước gửi về cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm này của báo. Tuy nhiên đến nay thì vụ án đã được xử xong và anh Trình chính thức nhận mức án hình sự về tội giữ người trái pháp luật cho hành vi… bắt giữ trộm của mình.
Giữ trộm lại rồi… mời trà?!
Ngay khi PLO thông tin phiên xét xử phúc thẩm vụ án và mức án tòa tuyên đối với anh Trình, bạn đọc đã dồn dập comment bày tỏ sự bức xúc, không đồng tình với bản án tòa tuyên.
Bạn đọc cũng hoang mang cho rằng với một cái “án lệ” bắt trộm thế này thì sau này thấy trộm người dân phải làm thế nào mới đúng?
Bạn Sang bức xúc: “Khi gọi điện thoại công an không được thì phải trói giữ lại thôi. Không lẽ mời cơm mời nước ngồi… đàm đạo??? Bắt được giao liền là trong bao lâu? Lỡ nhà hẻo lánh trong rừng trên núi, công an tới thì chắc cũng hơn 10 tiếng. Gần trưởng ấp là gần cỡ nào? Giờ đó vắng vẻ, chả ai đủ tâm trí để bỏ lại người nhà với trộm và lòng vòng trong đêm tìm công an cả, lỡ trộm có đồng bọn rồi sao? Giam giữ tội phạm tạm thời thì có gì là sai?”.
Bạn Tùng Ca đồng tình: “Vâng, thế này chắc chờ trộm xong rồi ra mời tên trộm đi về chứ bắt lại không khéo đi tù, rõ buồn cười với luật”. “Như thế mọi người đều cảm thấy không công bằng. Lúc báo lên công an gọi không bắt máy thì phải lập tức thả trộm đi à? Bảo nó thôi anh ơi ngày khác lại lấy tiếp anh nhé. Thử hỏi như thế thì có ai đi ăn trộm sợ bị bắt nữa không?” - bạn Bùi Hiền Hòa cũng bày tỏ.
Haha. Trộm vào nhà tốt nhất cứ bảo là ông trộm ơi ông lấy gì thì lấy đi rồi ông về cho con nhờ, không con bắt ông con lại phải vào tù thì chết” - bạn đọc có nick Conma “mát mẻ”.
Bạn Phong bình luận: “Sao tòa không nói luôn sau khi bắt được trộm thì phải làm gì? Mời cơm, mời rượu, dọn phòng cho ngủ và tìm đồ quý đưa cho rồi mời về? Bắt trộm mà không trói chắc chỉ có tòa! Ngành công an họ có vũ khí, có quyền lực vậy mà họ bắt người chưa biết có tội hay không vẫn phải còng số 8 đấy. Đó là phòng vệ đấy mấy bác ạ.”
Nhận được hơn 100 lượt Thích (Like) là ý kiến của bạn Lê ThànhKhi nhà mình có trộm vô chắc phải mời nó nhâm nhi vài ly xong nói "anh thích gì cứ lấy nhé, tí ra cửa chính chứ không phải trèo tường đâu"”. Bạn Walle, Điền Trang Chủ, Lê Xuân Thủy và rất nhiều bạn đọc khác cũng bày tỏ sự không đồng tình với mức án tòa tuyên phạt anh Trình với quan điểm “mát mẻ” này.
Bạn đọc Bùi Tá Vinh “đúc kết”: “Ăn trộm vào nhà bà con nhớ: "Không được bắt trói cột" vì vi phạm luật pháp bắt giữ người trái phép. Nếu trói tên trộm thì không được quá 10 phút. Nhưng nghiệt nỗi gọi công an năm lần 10 lượt thì không ai bắt máy. Tóm lại cứ để trộm muốn làm gì lấy gì là tùy ý, chứ coi chừng ở tù”.
Bức xúc hơn, bạn đọc có nick tên Bằng viết: “Có một lời khuyên cho các bạn sắp đi ăn trộm là lúc… hành nghề nên sắm cái biển treo trên cổ có ghi chữ "đánh và trói là vi phạm pháp luật". Đảm bảo an toàn”.
Bạn đọc Tường Nguyên cảnh báo: ”Bắt trộm mà không trói, không đánh nó cho nó đánh mình chết hay sao?! Bao nhiêu vụ trộm bị phát hiện giết người luôn không thấy sao mấy "ông tòa"?. Chả hiểu xử kiểu gì nữa!!!”.
Đọc mà thấy muốn nổ luôn gan, tòa gì mà xử máy móc vậy trời. Chắc tui cũng nên đi ăn trộm cho nhanh giàu. haiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii!!!!!!!!!!!!!!!” - bạn Hiên than thở.

Trộm vào nhà thì phải mời trà?! ảnh 2
Phiên tòa xét xử phúc thẩm anh Nguyễn Văn Trình ngày 4-1. Ảnh: Hoàng Nam 

Tuyên án vậy, còn ai dám bắt trộm nữa?

Nhiều ý kiến cho rằng việc bắt trói trộm là hoàn toàn bình thường. Bắt trói lại và báo công an, khi bàn giao trộm cũng không bị thương tích gì nhiều như trường hợp này, như vậy là quá tốt rồi, chứ nhiều nơi trộm bị bắt quả tang bị đánh đến chết xảy ra cũng không phải là hiếm trong thời buổi xã hội hiện nay.

Bạn đọc Nguyễn Văn Sáng viết: “Tôi thấy bắt giữ trộm như thế là còn nhẹ chán, bắt trộm giao lại cho công an thương tích không đáng kể như vậy bị tuyên án có đáng không? Nếu làm như vậy khi có trộm ai còn muốn đi báo nữa. Phải chỗ tôi thì cứ hé mồm ra cửa hô trộm trộm cái rồi đi ra chỗ khác là xong. Lát sau cả làng bâu vào rồi tản đi còn tên trộm đó thế nào không cần quan tâm. Đấy, lúc đấy các ông cứ đi lo mà điều tra”.

Bạn Nguyễn Thị Kim Ngân bức xúc: “Đề nghị y án là sao hả viện kiểm sát? Trên đời này lại có chuyện lạ là bắt được tên ăn trộm không được khen mà còn lại bị xử hình sự, nhiều vụ trộm quay qua chống cự và có thể bị đâm chết do tên trộm chống cự để thoát thân thì người bắt trộm phải trói lại chứ”.

Bạn đọc Anh Bảy tha thiết gửi gắm: “Bắt kẻ phạm pháp, trói tay khống chế tội phạm chờ cơ quan công an đến áp giải là việc làm chính đáng của người dân. Nếu đem luật áp dụng thì người chịu thiệt thòi là chủ nhà. Không bắt trói trộm, trộm chạy thoát hay gây thương tích đến tính mạng thì ráng chịu, như vậy luật pháp có công bằng cho người dân? Luật pháp lẽ ra phải bảo vệ cho những trường hợp như anh Trình, bắt trộm quả tang chứ. Kính mong HĐXX tỉnh Bến Tre xử đúng người đúng tội và hợp lòng dân. 

Kính mong BBT - PV báo Pháp Luật TP.HCM dùng tiếng nói ngôn luận cho người dân biết thêm thông tin vụ án Trói kẻ trộm bị khởi tố, HĐXX tuyên án đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Để người dân làm bài học khi ăn trộm vào nhà biết cách phải làm sao".

Xem thêm: Làm gì để bắt trộm mà không bị khởi tố?

Kẻ trộm bị bắt trói được xử lý như thế nào?

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 4-1, em K. cũng khai nhận đã bốn lần đột nhập vào quán bị cáo Trình lấy tiền thành công, hôm xảy ra vụ việc là lần thứ 5. 

“Nếu không bị chú Trình phát hiện thì tôi đã lấy được tiền rồi” - em K. hồn nhiên khai.

Như đã đưa tin, trong quá trình thông tin vụ án này, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã về tận nơi xảy ra vụ việc để tìm hiểu cặn kẽ những thông tin liên quan. Theo lời của anh Trình, thời điểm bắt được kẻ trộm, do không biết là con cái nhà ai, ở đâu nên cha con anh đã tra hỏi.

“K. (Phạm Văn K., tên trộm) khai là con ông Bảy C., tên thật là Phạm Văn B., nhà ở cùng xã. Em K. không phải con ông cháu cha gì đâu. Ngược lại, hoàn cảnh nhà em cũng khó khăn. Sau khi xảy ra vụ việc, tôi đã chủ động hỗ trợ tiền thuốc 10 triệu đồng cho em K. Hiện nay em K. đã thôi học và đang tập lái ghe ở nhà một người quen”, anh Trình kể lại.

UBND xã Vĩnh Bình cho biết K. đã bị Công an huyện Chợ Lách xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp với hình thức phạt cảnh cáo.

Vì sao K. ăn trộm nhưng không bị xử hình sự?

Theo Điều 12 BLHS thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 138 BLHS quy định ăn trộm từ 2 triệu đồng trở lên mới là tội phạm. Trong vụ việc này, K. bị bắt quả tang trong tiệm tạp hóa của anh Trình nhưng chưa lấy được gì.

Mặt khác, ngay cả trường hợp K. lấy trộm số tiền hàng trên 2 triệu đồng thì K. cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ tội trộm cắp (ở khoản 1 Điều 138) là tội phạm ít nghiêm trọng nên theo Điều 12 BLHS nêu trên, K. (15 tuổi) không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm