Trổ cửa sổ sai, xử lý sao?

“Việc trổ cửa sổ của nhà lân cận là hành vi xây dựng sai phép, chính Thanh tra Sở Xây dựng khẳng định. Thế nhưng Sở không hướng dẫn phường xử phạt theo quy định mà lại bảo tôi đi kiện nếu nhà kia không chịu bít cửa sổ. Điều đó quá vô lý” - bà Hồ Thị Hồng Loan (đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM) phản ánh.

Cụ thể bà Loan cho hay, vừa qua nhà kế bên nhà bà cho trổ các cửa sổ không có trong giấy phép xây dựng tại các tầng lầu. Sau đó thanh tra Sở Xây dựng có văn bản giải quyết, nhận định các cửa sổ của công trình lân cận với nhà bà mở sai phép. Cơ quan này đề nghị UBND phường 7 tiếp xúc vận động chủ nhà này xây bít các cửa sổ nói trên với kết cấu tường gạch, khung bê tông cốt thép, không được sử dụng vật liệu nhẹ để bít như hiện nay. Tuy nhiên, hướng dẫn của Sở “thòng” thêm câu: “Trong trường hợp chủ công trình lân cận không thực hiện nội dung như trên thì đề nghị UBND phường 7 hướng dẫn bà Loan khởi kiện ra tòa án để được xem xét giải quyết”.

 
Tranh chấp về trổ cửa sổ sai, gây ảnh hưởng nhà xung quanh diễn ra khá phổ biến. Ảnh: HTD

Bà Loan bức xúc, trước đây bà làm cổng rào và bị người dân phản ánh nên địa phương yêu cầu bà phải dời vào trong phần đất của bà để không ảnh hưởng đến hẻm chung, nếu không thì sẽ bị cưỡng chế. Tuy nhiên, khi nhà bên làm cửa sổ sai với giấy phép xây dựng thì nhà này không bị xử lý hành chính gì. Cơ quan chức năng xử lý như vậy rất bất nhất khiến bà không biết đâu đúng đâu sai.

“Việc trổ cửa sổ sai, gây ảnh hưởng nhà xung quanh không những vi phạm pháp luật mà còn làm mất tình xóm giềng. Do đó, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý. Và cần phải có cách giải quyết thống nhất để người dân yên tâm khiếu nại đối với các sai phạm” - bà Loan mong muốn.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đội trưởng một đội thanh tra xây dựng tại TP.HCM cho biết: “Trước kia những khiếu nại như trên thì đúng là các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn các bên kiện ra tòa, vì họ cho rằng đây là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, hiện nay Thông tư 02/2014 (hướng dẫn Nghị định 121/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng) quy định rõ việc xử lý đối với hành vi xây dựng sai phép là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, hành vi xây dựng sai phép dù đã hết thời hiệu xử phạt hành chính thì cơ quan có thẩm quyền cũng phải lập biên bản vi phạm và cho phép chủ công trình tự thực hiện việc tháo dỡ. Sau thời hạn đó nếu không chấp hành thì ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ. Việc xử lý trong trường hợp này không cần ban hành thành quyết định xử phạt”.

HÀ NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm