Triệt ‘bà hỏa’ cách nào?

Sau khi phong trào năm hộ dân liền kề tự trang bị bình chữa cháy do UBND phường 3, quận 8 (TP.HCM) phát động, đến nay toàn phường đã có 1.903 chiếc bình cứu hỏa. Người dân còn có thể tự xử lý khá bài bản khi xảy ra cháy nổ trong thời gian chờ cảnh sát PCCC lên đường ứng cứu.

Từ già đến trẻ cùng tham gia

Tuy mô hình PCCC này mới được thực hiện gần một năm nay nhưng đã mang đến những chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác của người dân.

Ông Lê Văn Tập, người được xem là tấm gương PCCC tích cực, dù tuổi đã cao nhưng lần nào phường tổ chức diễn tập ông cũng có mặt. Không chỉ vậy, ông còn sẵn sàng trao đổi với mọi người, hướng dẫn rất chi tiết kinh nghiệm có được qua những lần tham gia chữa cháy.

“Thấy rõ công dụng của bình chữa cháy, tôi mua liền ba bình cho mình và hàng xóm. Một lần nhìn thấy cột khói bốc lên trong xóm, cả hẻm đều ôm bình cứu hỏa chạy tới, ngăn được đám cháy lan to” - ông Tập hào hứng nói.

Lần khác, một nhà dân bán xe đạp điện bị cháy do chập điện cũng đã được chính những người hàng xóm giải cứu. “Lúc đó chủ nhà đi vắng, chúng tôi phát hiện nên tri hô, báo công an và ai có bình đều mang tới cứu. May mắn chỉ 15 phút là dẹp yên” - bà Nguyễn Thị Thu, một người dân, kể lại.

Thanh thiếu niên trong phường cũng rất quan tâm đến việc học PCCC, nhiều em độ tuổi cấp 2 đã tham gia các lớp tập huấn. “Trước đây cháy người ta bu xem đông nhưng đa số không có kiến thức, không biết làm gì, bây giờ thì khác rồi” - ông Tập an tâm nói.

Bà Thu bật mí: “Từ ngày có bình cứu hỏa cả xóm rôm rả lắm. Hễ có mùi khét là bà con phát hiện ngay. Tôi thấy cháy chủ yếu do lỗi chủ quan, bất cẩn khi dùng điện, nấu nướng… Đi chữa cháy học được nhiều kinh nghiệm để cẩn trọng hơn”.

Bà con phường 3 hăng hái tham gia lớp tập huấn PCCC và tự trang bị bình cứu hỏa tại nhà (ảnh nhỏ). Ảnh: TL - Đ.TRANG

Nghĩa láng giềng giữa lòng đô thị

Từ ngày có phong trào cùng nhau làm lính cứu hỏa, người dân phường 3 nhộn nhịp hẳn lên. Từ thói quen sống khép kín, không giao lưu hàng xóm của người đô thị nay mọi người đã xích lại gần nhau, quan tâm đến nhau hơn. Bất cứ lúc nào có báo cháy là cả con hẻm, khu phố tự giác tề tựu.

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (phường 3) hồ hởi: “Tôi thấy rất hay, mỗi lần xảy ra sự cố tình hàng xóm lại thắt chặt hơn. Nếu trước đây nhà nào về nhà đó thì nay mọi người hay gặp nhau để trò chuyện, chia sẻ. Sau mỗi lần chữa cháy, bà con sẽ tụm lại rút kinh nghiệm, lần sau phải bình tĩnh hơn, cầm bình phải thế nào, xịt ra sao… Trước đó tìm mỏi mắt mới ra một bình chữa cháy thì nay nhiều nhà đã tự sắm, vừa để dùng cho mình vừa làm công tác cộng đồng. Mỗi lần chữa cháy thành công, số hộ đi mua bình lại nhiều lên”.

Theo đại diện phường, ngay cả người dân và địa phương cũng tìm được tiếng nói chung, người dân cảm thấy đồng lòng với chính quyền trong nhiều chủ trương. Bây giờ nhiều gia đình chăm đến phường để được tư vấn mua bình, đăng ký học lớp tập huấn PCCC và chia sẻ những vấn đề dân sinh khác.

Phường 3 có 5.781 hộ với 26.637 nhân khẩu. Phường có nhiều hộ kinh doanh, dân cư đông, tình trạng cháy nổ diễn ra thường xuyên. Ngoài ra, phường có nhiều hẻm nhỏ, sâu nên việc tiếp cận để chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nhu cầu xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ là rất cần thiết. Từ thực tế đó, phường đã có sáng kiến lập mô hình, vận động năm hộ liền kề tự trang bị bình chữa cháy. Bên cạnh đó kết hợp với lực lượng PCCC quận để tập huấn thường xuyên cho bà con.

Bà NGUYỄN THỊ TÍNHChủ tịch phường 3, quận 8, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm