Trẻ dưới 16 tuổi được nhận làm con nuôi

Sau khi Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực (1-1-2011), nhiều bạn đọc gửi thư thắc mắc: Quy định về nuôi con nuôi trong luật này khác gì với quy định cũ? Trẻ em bao nhiêu tuổi thì được nhận làm con nuôi?…. Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết:

Theo Điều 8 Luật Nuôi con nuôi (CN), người được nhận làm CN trong nước và nước ngoài là trẻ em dưới 16 tuổi (trước đây Điều 67 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định là người từ 15 tuổi trở xuống). Ngoài ra, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng được nhận làm CN nếu được cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú bác ruột đồng ý nhận họ làm CN.

Điều kiện nhận nuôi CN

. Thưa ông, ai được quyền nhận nuôi CN?

+ Theo Điều 14 luật trên thì người nhận CN phải có đủ các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn CN từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục CN; có tư cách đạo đức tốt.

Trẻ dưới 16 tuổi được nhận làm con nuôi ảnh 1

Làm thủ tục nhận con nuôi tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HTD

Riêng trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm CN hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm CN thì chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có tư cách đạo đức tốt là đủ điều kiện nhận nuôi CN.

Bên cạnh đó, khi giải quyết việc nuôi CN cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường của những người có quan hệ huyết thống. Thứ tự ưu tiên khi lựa chọn gia đình thay thế cho trẻ được thực hiện như sau: Hàng ưu tiên thứ nhất là cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm CN. Nếu có nhiều người cùng hàng ưu tiên trên xin nhận một người làm CN thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục CN tốt nhất. Nếu không ai ở hàng ưu tiên nói trên nhận trẻ làm CN thì mới tính đến việc cho trẻ làm CN của công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, rồi tới người nước ngoài thường trú ở Việt Nam…

Thẩm quyền đăng ký nuôi CN

. Muốn nhận một đứa trẻ làm CN thì phải liên hệ ở đâu? Thủ tục ra sao?

+ Theo Điều 2 Nghị định 19 ngày 21-3-2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi CN (có hiệu lực ngày 8-5-2011), thẩm quyền thực hiện đăng ký việc nuôi CN trong nước thuộc UBND cấp xã, nơi thường trú của người được nhận làm CN (trước đây là UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận CN).

Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm CN; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm CN hoặc có sự thỏa thuận giữa người nhận CN với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm CN thì UBND cấp xã thường trú của người nhận CN thực hiện việc đăng ký.

Đối với trẻ em bị bỏ rơi được nhận làm CN khi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng thì UBND cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi đó thực hiện việc đăng ký; nếu trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm CN thì UBND cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó thực hiện việc đăng ký.

UBND cấp tỉnh, nơi thường trú của người được nhận làm CN thực hiện việc đăng ký nuôi CN nước ngoài; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm CN thì UBND cấp tỉnh, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó quyết định cho trẻ em đó làm CN. Sở Tư pháp thực hiện đăng ký việc nuôi CN nước ngoài sau khi có quyết định của UBND cấp tỉnh.

Cơ quan đại diện nơi tạm trú của người được nhận làm CN hoặc của người nhận CN thực hiện việc đăng ký việc nuôi CN giữa công dân Việt Nam với nhau tạm trú ở nước ngoài; trường hợp cả hai bên tạm trú ở nước không có cơ quan đại diện thì người nhận CN nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất đối với họ.

. Trường hợp đã nhận một đứa trẻ làm CN nhưng chưa đăng ký với chính quyền địa phương thì nay có thể làm thủ tục đăng ký hay không?

+ Theo Điều 23, 24 Nghị định 19 thì việc nuôi CN đã phát sinh trên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày luật trên có hiệu lực thì sẽ được đăng ký trong thời hạn năm năm (đến hết ngày 31-12-2015) tại UBND cấp xã nơi thường trú của cha mẹ nuôi và CN nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi CN; đến thời điểm luật này có hiệu lực mà quan hệ cha mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống; giữa cha mẹ nuôi và CN có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

. Xin cảm ơn ông.

Hồ sơ của người nhận nuôi CN trong nước

Gồm có: Đơn xin nhận CN; bản sao hộ chiếu, CMND; phiếu lý lịch tư pháp; văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận CN thường trú cấp (trừ trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm CN hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm CN).

400.000 đồng

là mức thu lệ phí đăng ký nuôi CN trong nước; đăng ký nuôi CN nước ngoài là 9 triệu đồng/trường hợp; đăng ký nuôi CN tại cơ quan đại diện là 3 triệu đồng/trường hợp (trừ các trường hợp được miễn, giảm).

KIM PHỤNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm