Tránh mất tiền vì mua nhầm đất nền dự án ảo

Trong tuần qua, thông tin Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam bốn tháng đối với ông Ngô Minh Khâm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Phú An Thịnh Land nhận được nhiều bình luận của bạn đọc.

Theo thông tin, từ năm 2017 đến 2018, rất nhiều khách hàng đã bỏ tiền từ hơn 400 triệu đến gần 1 tỉ đồng để mua nền đất tại các dự án Eco Garden, Eco Garden 3 và Eco Garden 5 ở hai huyện Cần Đước và Bến Lức (Long An).

Người mua đã thanh toán tiền nhưng chờ đợi mòn mỏi vẫn không được làm thủ tục sang tên. Công ty bán đất bảo không ra được giấy vì không phù hợp với quy hoạch. Khách hàng mất rất nhiều lần đi lại để đòi tiền nhưng Phú An Thịnh Land mới chỉ trả lại được một phần.

Phải tìm hiểu kỹ dự án

Bạn đọc Hoa Sang bình luận: “Những người mua đất để ở đa phần là người mua lần đầu nên không dễ nhận ra được những chiêu lừa đảo.

Các sàn giao dịch đất đai cũng quảng cáo quá hấp dẫn, nào là “sinh lợi cao, vị trí đẹp, nếu không ở thì bán cũng lời”, ai không sáng suốt thì dính ngay.

Có những người làm việc cả thời gian dài tích góp để mong mua được mảnh đất, vậy mà bị lừa đảo để phải lâm cảnh khốn khổ”.

“Người mua đất phải hết sức bình tĩnh, tìm hiểu thật kỹ dự án đó bằng nhiều nguồn: người thân, người dân khu vực đó, chính quyền địa phương, báo chí...” - bạn đọc Hải Hà ý kiến.

Một số bạn đọc thắc mắc các đối tượng bán dự án ma, dự án chưa được cấp phép tại sao lại dám công khai làm hạ tầng, công khai rao bán dưới nhiều hình thức.

“Lẽ ra khi phát hiện những sai phạm về xây dựng và tình trạng mua bán ảo thì các cơ quan chức năng ở địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn kịp thời ngay từ đầu” - bạn đọc Bình An nêu.

Một người dân mua đất dự án. Ảnh: NGÂN NGA

Nhiều người dân làm đơn tố cáo ông Ngô Minh Khâm. Ảnh: NGÂN NGA

Hỏi chính quyền địa phương khi mua đất

Ngày 3-7, trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng chính quyền địa phương như UBND phường, xã, quận, huyện nên thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch dễ tiếp cận, dễ hiểu. Đây là điều quan trọng nhất để tránh tình trạng người dân mua phải dự án ma, dự án chưa được cấp phép.

Tiếp đó, trong quá trình quản lý nếu địa phương phát hiện có tình trạng bán đất nền dự án ảo thì phải xử lý nhanh, mạnh tay như là cưỡng chế hành chính và thậm chí truy cứu trách nhiệm của những cá nhân cố tình thực hiện những hành vi có tính chất lừa đảo khách hàng.

Các phương tiện truyền thông cũng là kênh quan trọng để thông tin kịp thời khi phát hiện những dự án sai phạm để cảnh báo cho người dân.

“Quan trọng hơn hết, để tránh bị lừa vào các dự án ảo thì người dân phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ pháp lý về dự án cũng như doanh nghiệp rao bán bất động sản.

Một khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân phải trình báo cơ quan chức năng sớm nhất hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình” - ông Châu lưu ý.

Chủ tịch UBND một phường ở Đồng Nai cho biết thông thường triển khai một dự án về nhà ở thì chủ đầu tư trước tiên phải có đầy đủ giấy tờ pháp lý liên quan về dự án thì mới được xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi có cơ sở hạ tầng mới thực hiện các giao dịch mua bán.

“Ở địa phương, chúng tôi cũng từng phát hiện một dự án rao bán đất nền ảo. Khi phát hiện có việc san lấp mặt bằng không phép trên địa bàn phường, phường xuống lập biên bản và yêu cầu ngưng. Đồng thời, phường cho treo bảng cảnh báo về việc mua bán dự án ảo tại khu vực trên để người dân cảnh giác.

Tôi rất mong người dân khi đi mua đất nền ở những địa phương khác nên đến chính quyền địa phương để hỏi về thông tin quy hoạch, tránh việc mua phải dự án không có thật” - vị chủ tịch UBND phường này khuyến cáo.

Các vụ có dấu hiệu sai phạm phân lô, bán nền

- Mới đây, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) cho hay đang xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc phân lô, bán nền và việc thực hiện các dự án của các công ty tại tỉnh Bình Dương.

Theo cơ quan này, có bốn công ty mà cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp hồ sơ gồm: Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh; Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển đô thị Việt Nam; Công ty cổ phần Phú Gia Khiêm Land; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ bất động sản Phú Phong.

- Tháng 3-2020, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan liên quan đến việc xử lý vi phạm của Công ty Phi Long tại dự án thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Theo đó, UBND TP giao huyện Bình Chánh yêu cầu Công ty Phi Long tự tháo dỡ các công trình xây dựng không phép tại dự án nói trên.

UBND TP cũng giao huyện Bình Chánh tổ chức cho người dân mua đất của Công ty Phi Long kê khai để nắm thông tin về việc tố cáo hành vi có dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm