Tranh chấp hợp đồng do tòa xử

Sau đó người này nhận tiền của khách hàng nhưng không giao lại cho con tôi. Con tôi gửi đơn thưa ra công an đề nghị xử lý hình sự việc bị lạm dụng chiếm đoạt tài sản nhưng công an chuyển hồ sơ qua tòa án. Tòa yêu cầu làm đơn tranh chấp hợp đồng mua bán chứ không được ghi là lường gạt chiếm đoạt tài sản. Vậy sao công an không khởi tố tội trên được, còn tòa yêu cầu làm đơn vậy đúng luật không?

Ông Nguyễn Văn Thọ, Khóm Long Hưng, phường Long Châu,
thị xã Tân Châu, An Giang

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Việc nợ tiền mua bán vật liệu xây dựng giữa con trai ông với người hàng xóm là giao dịch dân sự nên thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Tòa án thụ lý đơn kiện tranh chấp hợp đồng là đúng quy định theo pháp luật về dân sự. Còn việc “lạm dụng chiếm đoạt tài sản” được xử lý theo pháp luật về hình sự: Công an khởi tố vụ án để điều tra, VKS truy tố và tòa án xét xử. Vì vậy, tòa án yêu cầu con ông sửa đơn kiện với nội dung trên là đúng quy định.

Trường hợp người hàng xóm nợ tiền của con ông nhưng bỏ trốn thì con ông có thể gửi đơn tố giác đến cơ quan CSĐT đề nghị khởi tố người hàng xóm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Do người này không bỏ trốn nên công an không khởi tố vụ án trên mà chuyển hồ sơ qua tòa án giải quyết là đúng.

Người làm chứng trong di chúc

Ông nội tôi nhờ người viết di chúc phân chia tài sản nhà, đất, ruộng vườn cho con, cháu. Ông cho tôi hưởng 100 m2 đất và hai bác hàng xóm, ông trưởng ấp đã ký tên làm chứng trong di chúc. Nay ông nội tôi kêu tôi ký tên vào di chúc này nữa cho chắc thì cán bộ tư pháp UBND xã giải thích làm vậy là sai mà chỉ cần hai người làm chứng trên là đủ rồi. Giải thích này đúng không?

Nguyễn Thị Phương Linh,
Xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM

Luật sư TÔ NGỌC MINH TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Đúng. Theo Điều 656 Bộ luật Dân sự, trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Tuy nhiên, Điều 654 bộ luật trên quy định mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa đủ 18 tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, bà được ông nội cho hưởng 100 m2 đất theo di chúc nên bà không được làm người làm chứng trong di chúc mà ông nội bà lập. Việc cán bộ tư pháp UBND xã giải thích như trên là đúng.

KIM PHỤNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm