Tranh cãi quyết liệt vụ chủ nhà nghỉ đặt máy quay phim lén

Ảnh minh họa 

Vụ việc khá nhạy cảm vì liên quan đến… nhà nghỉ, có dính dáng ít nhiều đến một số đông người dân có nhu cầu, do đó đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo bạn đọc.

Nhiều ý kiến gửi về, trước tiên đã bày tỏ sự “lo ngại” khi trong nhà nghỉ có đặt máy quay phim: “Cảm giác thật khó chịu khi đang nghỉ trong nhà nghỉ mà lại bị quay lén! Thật phản cảm! Chắc hết dám đi nhà nghỉ vui vẻ rồi!” bạn Single Firefly than.

Bạn Nguyễn Song Giang cũng la làng: “Chết rồi, những ai mà lỡ dại vào nhà nghỉ này mua dâm đang run bần bật, thân bại danh liệt, gia đình xào xáo”.  Bạn Trần Thời thì cho rằng: “Không mua, không nghỉ thì không sợ. Có mua, có nghỉ thì quá sợ”.

Chủ nhà nghỉ quay phim là có “mưu đồ”

Theo bạn Trần Ngọc Khương thì vợ chồng ông Triệu Đức Nhật, chủ nhà nghỉ không phải chỉ có vi phạm quy định về bí mật về đời tư của công dân mà lẽ ra phải bị truy tố về tội chứa mại dâm theo điều 254 BLHS mới đúng.

Bạn Thai nêu ý kiến “biết rõ có hành vi mua bán dâm do diễn ra ở nhà nghỉ nhiều lần mà âm thầm ghi hình rồi để dành có việc thì xài là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, còn hình sự hay dân sự thì phải điều tra. Công dân có quyền bí mật hình ảnh, ai cho anh có quyền đi quay rồi cất như thế, tại sao anh không báo công an vào bắt, hay là anh vừa có thu nhập vừa có của để dành nên im lặng???”.

Bạn Hoàng tỏ ra khá bức xúc trong trường hợp này, theo bạn chỉ vì chủ nhà nghỉ tổ chức mua bán dâm tại nhà nghỉ nên “đặt lén camera hòng tìm "1 lá chắn", "1 lá bùa hộ thân" nếu việc "làm ăn" bị đổ bể. Nay, "được ăn cả, ngã về không". Có vậy mới thấy sự tha hóa từ chính bản thân của ông Nhật”. Bạn Hoàng còn đề nghị “phải khởi tố chủ nhà nghỉ tội trục lợi từ việc xâm phạm đời tư người khác nữa mới đúng”.

Ông chủ nhà nghỉ Triệu Đức Nhật. Ảnh: ĐD 

Bạn đọc Anh Bảy cũng có chung ý kiến cho rằng vợ chồng chủ nhà nghỉ trong trường hợp này là có “mưu đồ” khi đặt quay camera tại nhà nghỉ: “Hành động và việc làm đặt camera của vợ chồng ông Nhật quay lén hình ảnh trong nhà nghỉ để quay phim của các cán bộ mua bán dâm là có mục đích để việc kinh doanh mại dâm có bảo kê”. Bạn Bảy cho rằng việc này không khác gì Mafia dùng clip để khống chế cán bộ nhà nước. “Từ 2008 đến 2011 ba năm cán bộ B tha hóa tại sao Ông Nhật không tố cáo, giờ xảy ra vụ việc mới phanh phui ???”- bạn Anh Bảy đặt vấn đề.

Tranh cãi quyết liệt vụ chủ nhà nghỉ đặt máy quay phim lén ảnh 3

Một luật sư cho rằng quay đúng luật là phải tố cáo ngay 

“Nên khuyến khích đặt máy quay phim để ‘nhắc nhở’ cán bộ nhà nước”

Bên cạnh đông đảo ý kiến bạn đọc cho rằng chủ nhà nghỉ quay phim lén là đã xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, là vi phạm pháp luật thì cũng có khá nhiều ý kiến đồng tình với việc làm của chủ nhà nghỉ.

Nhiều ý kiến cho rằng nên… khuyến khích việc làm này vì nó cũng có tác dụng nhắc nhở cán bộ “giữ mình” và còn là một bằng chứng hoàn hảo để tố cáo cán bộ nhà nước sai phạm, biến chất khi có vi phạm.

Bạn đọc ở nick THẢO DÂN hỏi: “Ngành công an phát động toàn dân tham gia tố giác tội phạm, nếu không quay phim, chụp hình làm bằng chứng thì lấy gì tố cáo?”. 

Bạn đọc KGB viết: Đành rằng mỗi người đều có quyền về hình ảnh, nhưng ông Nhật quay video về hành vi "vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục của cán bộ thoái hóa biến chất" và tố cáo đến cơ quan chức năng thì hành vi này cần phải được khuyến khích để mỗi người cán bộ phải biết tự "giữ " hình ảnh của mình trước nhân dân”. 

Cũng theo bạn KGB, nếu chỉ vào nhà nghỉ để nghỉ thì có bị quay lén cũng chẳng sao, khi đó mới nên đặt ra vấn đề ông Nhật có lỗi hay không, dân sự hay hình sự. “Cá nhân tôi thấy nên ủng hộ hành động này của ông Nhật” bạn KGB “chốt” lại.

Đồng tình, bạn Giang Nguyễn cũng cho rằng không nên xét đúng sai trong vụ việc này. Theo bạn, nếu tố cáo cán bộ người dân phải tự thu thập chứng cứ để tố cáo thì thật khó, do đó nên… khuyến khích việc này: “Nếu cứ quy định như vậy thì thử hỏi có công dân nào dám đứng lên để tố cáo? mình tố cáo người khác mà mình cũng vi phạm pháp luật thì việc gì phải chuốc khổ vào thân. Theo như ý kiến cá nhân của tôi thì nên khuyến khích việc này, không nên qui định quá rườm rà, khắt khe”. 

Cũng theo bạn Giang Nguyễn, quan trọng là việc đánh giá chứng cứ, nếu đúng thì có biện pháp xử phạt đối với người vi phạm, nếu người thu thập chứng cứ nhằm đe dọa hoặc có mục đích khác thì có biện pháp xử lí thích hợp.

Và theo bạn Công Lý “điều khoản quy định về xâm phạm đời tư trong BLDS chỉ áp dụng đối với công dân bình thường, còn đối với cán bộ công chức thực thi công vụ thì phải chịu sự giám sát của nhân dân”.

Lý giải cho sự đồng tình ý kiến này, bạn HNen nêu quan điểm: “Người dân có thu thập chứng cứ đúng hoặc không đúng qui định hay là tố cáo đúng thời điểm hay không thì không quan trọng; mà quan trọng là cán bộ có biểu hiện tha hoá đạo đức, thì phải xử cho bằng được vì tha hoá đạo đức thì không thể chấp nhận được; hơn nữa đã tha hoá đạo đức, tư tưởng chắc chắn sẽ dẫn tới tham nhũng”.

Bạn Nguyễn Nhật Trường còn… xúi dại: “Đem tố cáo thì sai luật, vậy cứ việc đưa lên mạng xã hội, tự cơ quan có trách nhiệm làm thôi” (nếu đưa lên mạng xã hội, truy ra bạn sẽ xử phạt hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy ngay đấy-NV)

Tranh cãi quyết liệt vụ chủ nhà nghỉ đặt máy quay phim lén ảnh 4
Ai cũng có quyền về hình ảnh 

Phòng khách đã thuê là quyền sở hữu riêng, quay phim là vi phạm pháp luật

Bên cạnh các ý kiến kết tội đúng sai việc đặt máy quay phim lén trong phòng nghỉ, cũng có nhiều ý kiến cho rằng sai đến đâu thì nên xử đến đó. Cán bộ nhà nước vi phạm quy định về đạo đức, tác phong thì xử phạt cán bộ, chủ nhà nghỉ quay phim lén những “hành vi riêng tư” cũng là vi phạm pháp luật, không thể bị bỏ qua.

Theo bạn đọc Hoàng Bạch Long, chủ nhà nghỉ có quyền lắp đặt bất kỳ thứ gì và bất kể ở đâu trong nhà nghỉ thuộc phạm vi sở hữu của người đó: “Khi nào chủ nhà nghỉ tung các clip quay lén để tống tiền, tống tình hay làm việc đạt lợi ích cá nhân gì đấy mới là phạm pháp. Còn sử dụng các clip đó cung cấp cho cơ quan điều tra và có trách nhiệm tố cáo tội phạm mua dâm là một cán bộ nhà nước, đảng viên thì đấy lại là sử dụng clip một cách đúng pháp luật”. Ý kiến này nhận được khá nhiều sự đồng tình từ các bạn đọc khác.

Tuy nhiên bạn đọc có nick Bill, 8 Saigon và một số bạn đọc khác lại cho rằng đó là ngụy biện: “Bất luận là lý do gì, quay lén camera đều vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh”. Bạn đọc Hoàng cũng gay gắt: “Vậy, tôi tự ý (khi chưa được sự cho phép của ngành an ninh) đặt lén camera ở phòng ngủ nhà bạn. Bạn nghĩ sao?”

Theo bạn đọc Hoàng: "Nhà nghỉ" là nơi công cộng, nghĩa là ai cũng có quyền tới để thuê. Và, chủ nhà nghỉ có quyền đặt camera khắp nơi (để giám sát tài sản). Nhưng "căn phòng" (ý nói về không gian) mà người ta đã thuê lúc bấy giờ "thuộc sở hữu riêng" của cá nhân, chủ nhà nghỉ tự ý đặt camera và "ghi hình trong phòng khi có khách đã thuê" là xâm phạm đời tư người khác”. Ý kiến này cũng nhận được rất nhiều like đồng ý.

Kiểu gì cũng là sai

Hành vi của ông Nhật, tùy mục đích sử dụng clip có thể có các hình thức chế tài khác nhau. Nếu lén quay và lưu trữ nhưng chỉ để xem thì vừa vi phạm đạo đức vừa xâm phạm đời tư người khác, xử lý bằng BLDS.

Nếu xem rồi cho bạn bè, người thân cùng xem thì có dấu hiệu của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Nếu phát tán trên mạng cho nhiều người cùng xem hoặc in, sao chép ra và mang đến phát tán ở nơi công cộng như chợ, trường học... thì lại có dấu hiệu của tội làm nhục người khác.

Tuy nhiên, như đã phân tích trong vụ này ông Nhật mới chỉ vi phạm nguyên tắc trong BLDS.

Viện trưởng VKSND quận 5 (TP.HCM) Nguyễn Kim Tiếng

(Trả lời trên Pháp Luật TP.HCM)

***

Theo diễn tiến mới nhất, chiều 8-4, Ủy ban kiểm tra huyện ủy Ea Kar (Đắk Lắk) đã tới nhà làm việc với ông Triệu Đức Nhật (người tố cáo) để xác minh nội dung đơn ông tố cáo cán bộ tòa án mua dâm. Vụ việc đúng sai thế nào sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ, PLO sẽ tiếp tục theo dõi thông tin đến bạn đọc những diễn biến tiếp theo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm