TP.HCM: Xóm Công viên Hạnh Phúc gác việc nhà, giúp người khó ngặt

 Tính đến nay đã hơn 20 ngày, Xóm Công viên Hạnh Phúc (tổ dân phố 54B, khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM) lo bữa ăn cho người nghèo, người dân nhập cư tại TP.HCM.

Mỗi ngày, Xóm phải làm từ sáng đến tối để có thể bốc dỡ, sắp xếp và trao hàng chục tấn hàng hoá đến 200 - 400 phòng trọ. Kể ra, thời gian qua, Xóm đã hỗ trợ hơn 3.500 phòng trọ với hơn 14.000 công nhân, lao động nhập cư...

Nguồn nhân lực, phương tiện và tài chính để lo chuyện “bao đồng” được cư dân tự đóng góp và nhiều mạnh thường quân ngoài xóm hỗ trợ.

Xóm Công viên Hạnh Phúc lan tỏa nghĩa tình mùa dịch. Ảnh: NGỌC LÀI

Phụ nữ chia quà, đàn ông vận chuyển

Xóm Công viên Hạnh Phúc chỉ khoảng hơn 20 hộ dân sống xung quanh Công viên Hạnh Phúc. Vài năm gần đây, cư dân Xóm liên tục tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, lan tỏa “hạnh phúc” đến những nơi khó khăn.

Mùa lũ lịch sử năm ngoái (2020), Xóm đã nấu bánh chưng, làm chà bông gửi đồng bào miền Trung. Đợt dịch này ở TP.HCM cũng khiến cư dân Xóm đứng ngồi không yên. Vì vậy, ngày 13-7, anh Nguyễn Đức Hiển, cư dân lâu năm của Xóm Công viên Hạnh Phúc, bắt đầu tặng quà cho các công nhân nghèo đang ở trọ trên địa bàn khu phố 4, phường Tân Thới Nhất. Thấy anh Hiển làm việc nghĩa, cư dân Xóm chung tay hỗ trợ nhân lực, tài chính. Cứ tưởng làm “cho vui”, một hai ngày mệt sẽ nghỉ, không ngờ Xóm duy trì hoạt động hỗ trợ người nghèo, người dân nhập cư cho đến nay.

Hơn 20 ngày qua, phụ nữ của Xóm Công viên Hạnh Phúc đều dậy sớm chuẩn bị quà gửi tặng xóm trọ nghèo. Ảnh: NGỌC LÀI

Anh Phạm Phúc Chí, người điều hành hoạt động hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch của Xóm, cho biết: “Nhiều người khổ nhờ hỗ trợ mà mình không làm, cảm thấy áy náy. Thành ra, nhóm cứ tiếp tục làm ngày này qua ngày khác, tính đến nay đã hơn 20 ngày. Mỗi ngày, Xóm chuẩn bị khoảng từ 100 – 300 phần quà. Hôm nào, mọi người khỏe thì làm nhiều, hôm nào mệt thì làm ít. Đợt lũ lụt miền Trung, Xóm cũng có hoạt động hỗ trợ nhưng mang tính chất cá nhân. Lần này có sự chung sức đồng lòng của tập thể, quy mô và chuyên nghiệp hơn”.

Theo sự phân công của Xóm, phụ nữ lo việc hậu cần như phân bổ quà, lựa rau, mua gạo mì,… còn đàn ông chuyên tâm vận chuyển quà đến các xóm trọ, khu phong tỏa, cách ly. Cứ 5 giờ sáng, mấy chị trong Xóm lại ra công viên lựa rau củ, bỏ vào túi, kèm theo trứng hoặc khô. Người nào dậy sớm thì làm sớm, một mình cũng làm, đông người thì phải giãn cách 2m. Mấy chị cặm cụi làm thật nhanh để rau đến tay người cần vẫn còn đủ tươi.

Cư dân dùng xe tải của Xóm luồn vào các con hẻm nhỏ tặng quà cho người nghèo. Ảnh: NGỌC LÀI

Chị Lê Thị Bảy, cư dân dậy sớm nhất Xóm, chia sẻ: “Tôi ra lựa rau từ lúc 4 - 5 giờ sáng, phải làm trước khi nắng lên, không thì rau héo hết. Thay vì tập thể dục, tôi lựa rau bỏ vào túi gửi đến xóm trọ nghèo. Cả xóm cùng làm nên vui và đoàn kết như một gia đình lớn. Mấy chị em cùng làm rồi mê luôn, bữa nào không làm trong người thấy khó chịu. Sáng chưa kịp dọn dẹp nhà cửa, chưa nấu bữa sáng, tôi đã ra công viên”.

Cũng như chị Bảy, chị Đoàn Thị Ngọc Linh và nhiều chị em ở Xóm cũng tạm gác việc nhà, cơm nước, con cái nhờ người thân đỡ đần. Bởi, trong một lần theo các anh vận chuyển quà, chị Linh gần như chết lặng khi nghe bé gái ở xóm trọ nghèo mừng rỡ: “Mẹ ơi, có gạo rồi!”. Mà đâu chỉ có bé gái đó, hình ảnh mấy thế hệ của một gia đình chen chúc trong căn phòng mấy mét vuông, tối tăm ẩm thấp, thập thò nhìn ra cửa, ánh mắt xoáy vào từng phần quà… khiến chị Linh không khỏi xót xa.

Họ đi như chạy để kịp chở thêm vài chuyến nữa, sợ bà còn xóm trọ khác đang chờ. Ảnh: NGỌC LÀI

Đảm nhiệm phần công việc nặng nhọc hơn, nhưng các anh tận mắt chứng kiến nhiều cảnh khổ nên có nhiều động lực để làm. Vài anh đã tóc muối tiêu vẫn vùi mình vào bộ đồ bảo hộ nóng bức, luồn xe tải, xe ô tô vào từng con hẻm. Họ vác 2-3 bao gạo, xách chục túi quà mà đi như bay. Tất cả đều bảo nhau phải nhanh lên vì sợ muộn chuyến sau, bà con xóm khác chờ đợi. Dân xóm trọ muốn phụ một tay, họ cản: “Bà con cứ ở yên trong nhà, đảm bảo giãn cách. Chúng tôi đặt quà trước dãy trọ, lát nữa mọi người ra lấy sau”.

Anh Đặng Công Thắng cho biết việc chuyển quà đến các điểm cách ly, phong tỏa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thế nhưng, gần một tháng qua, Xóm đã di chuyển qua rất nhiều quận huyện như: Bình Tân, Bình Chánh, quận 8, quận 7, Củ Chi… và TP Thủ Đức.

Tuân thủ giãn cách, cư dân Xóm Công viên Hạnh Phúc mời người nghèo nhận quà sau khi nhóm rời đi. Ảnh: NGỌC LÀI

Chuyện nhỏ, chuyện to, Xóm lo “cái rẹt”

Sau mỗi lời đề nghị hỗ trợ, anh Phạm Phúc Chí tiến hành khảo sát và có sự tham vấn từ chính quyền địa phương. Xóm trọ hội đủ tiêu chí thì ngay hôm sau sẽ được nhận quà từ Xóm Công viên Hạnh Phúc. Mỗi phần quà bao gồm: gạo, mì, trứng, rau củ, cá khô… Những điểm có trẻ em, người già được nhận thêm sữa tươi, sữa bột, ngũ cốc dinh dưỡng.

“Thực ra, tài chính của Xóm cũng không dư dả nhiều, chủ yếu anh Nguyễn Đức Hiển kêu gọi cộng đồng. Mọi người góp của, Xóm góp công. Tiền của Xóm và mạnh thường quân sẽ được dùng vào việc mua gạo, mì, trứng, còn cộng đồng ủng hộ thêm rau củ, dầu gội, sữa tắm…”, anh Phạm Phúc Chí cho biết.

Gạo, rau củ, trứng, kho... được cho vào từng túi, gửi đến người cần. Ảnh: NGỌC LÀI

Chị Nguyễn Vũ Thị Nhàn (Tổ trưởng tổ 8A, khu phố 1A, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) chia sẻ: “Nhiều người dân ở xóm trọ trên địa bàn phường Đông Hưng Thuận thất nghiệp, hoàn cảnh khó khăn. Thấy vậy, tôi nhắn tin nhờ Xóm Công viên Hạnh Phúc hỗ trợ. Chỉ một ngày sau, Xóm đã chở gạo, mì, thực phẩm đến trao cho mọi người”.

Không chỉ gửi quà, Xóm còn lo cơm cho người dân tại các xóm trọ nghèo, khu phong tỏa trên địa bàn phường Tân Thới Nhất. Cứ khoảng 11 giờ 30 mỗi ngày, anh Nguyễn Duy Phương, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, thay mặt Xóm lại đến quán Nụ Cười 2 ở quận Tân Phú chở cơm về. Rồi cũng chính anh Phương chở từng phần cơm đến từng khu trọ, phong tỏa… mời bà con nhận cơm về ăn.

Ngoài những hoạt động hỗ trợ lâu dài, Xóm còn thực hiện vô số việc nghĩa không tên. Với tấm lòng hào sảng, nghe ở đâu có hữu sự, Xóm liền hội ý và giúp đỡ “cái rẹt”. Cách đây mấy hôm, trong đêm nghe tin một em sinh viên nghèo không đủ tiền mai táng cha, Xóm bàn nhau góp tiền hỗ trợ. Sau đó một ngày, chính quyền thành phố đã quyết định trong giai đoạn dịch hoành hành, người dân TP qua đời mà người thân không đủ tiền mai táng, chính quyền sẽ hỗ trợ.

Xóm còn lo cơm trưa cho người nghèo ở phường Tân Thới Nhất. Ảnh: NGỌC LÀI

“Anh Nghiệp, cư dân xóm Hạnh Phúc vừa chuyển 30 triệu cho tôi để cùng Xóm ủng hộ bà con. Anh còn nói, gia đình có 12 phòng trọ tại khu phố 4, phường Tân Thới Nhất. Nếu bà con nghèo có nhu cầu ở trọ mà không có tiền thuê thì có thể đến ở miễn phí từ nay tới Tết âm lịch. Anh lo luôn tiền điện nước”, anh Nguyễn Đức Hiển cho biết.

Người ở Xóm Công viên Hạnh Phúc từ nghèo khó đi lên, cũng từng ở trọ, vẫn đặc sệt chất giọng vùng miền. Cho nên, họ dễ đồng cảm cảnh khổ của người lao động đang khốn khó trong mùa dịch. Chìa bàn tay với bó rau, lát bí, vài quả trứng, nơi ở trọ miễn phí… cho người nghèo lúc này là trao cho họ niềm tin về một TP nghĩa tình, hào sảng.

Quê hương chẳng đâu xa, ở ngay nơi có nghĩa tình đùm bọc!

 

Không ngờ dịch bệnh lâu đến vậy!

TP.HCM: Xóm Công viên Hạnh Phúc gác việc nhà, giúp người khó ngặt ảnh 8
Chị Lan khóc khi nhận được quà, sự quan tâm từ cư dân Xóm Công viên Hạnh Phúc. Ảnh: NGỌC LÀI

Quê nhà ở Sóc Trăng, chồng đi biển không đủ sống, tôi dắt con gái thiểu năng và mẹ già lên TP.HCM sống trọ. Tại đây, tôi bán hột vịt lộn, làm thuê đủ kiểu để bám trụ. Dịch bệnh bùng phát, tôi thất nghiệp ba tháng rồi. Thời gian này, nghe ở đâu có cho gạo, tôi cũng lặn lội đến xin.

Bữa nay, Xóm Công viên Hạnh Phúc đến tận nơi trao quà, tôi mừng lắm! Tiền tích góp, tôi để dành mua thuốc cho con và đóng trọ. Lúc đầu, tôi nghĩ dịch lần này cũng qua mau như cũng mấy lần trước. Không ngờ dịch bệnh lâu đến vậy! Cũng may là còn có Xóm...

Chị TĂNG THỊ LAN, tạm trú phường Đông Hưng Thuận, quận 12

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.