TP.HCM: Quận nào đạt tiêu chí 'vùng an toàn bệnh dại'

Sáng 30-5, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Chăn nuôi-Dịch tễ thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, nói.

17 quận/huyện được công nhận

Theo ông Dũng, hiện 17 quận/huyện TP.HCM đã được công nhận “vùng an toàn bệnh dại”. Bảy quận/huyện còn lại bao gồm 12, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ cũng sẽ phấn đấu đạt “vùng an toàn bệnh dại” đến hết năm 2020.

“Tiêu chí để được công nhận “vùng an toàn bệnh dại” là không để xảy ra ca bệnh dại trên người và động vật; quản lý chặt đàn chó nuôi, đăng ký chó nuôi với UBND phường/xã; tiêm phòng bệnh dại…” - ông Dũng nói.

Nhân viên Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM tiêm ngừa dại cho chó. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ông Dũng cho biết chó được nuôi trong “vùng an toàn bệnh dại” khi chuyển tới địa phương khác sẽ được cấp giấy kiểm dịch mà không cần xác minh tiêm ngừa, xét nghiệm bệnh dại. “Trong khi đó, chó nuôi trong khu vực chưa được công nhận “vùng an toàn bệnh dại” khi chuyển tới địa phương khác buộc phải xác minh tiêm ngừa và xét nghiệm bệnh dại trước khi cấp giấy kiểm dịch” - ông Dũng nói thêm.

Cũng theo ông Dũng, nhiều du khách trước khi tới nước nào du lịch đều tìm hiểu tình hình an toàn bệnh dại ở nước đó. “Một khi TP.HCM hoàn thành xong “vùng an toàn bệnh dại” ở tất cả 24 quận/huyện thì khách du lịch sẽ rất an tâm đặt chân đến. Khi đó, nền du lịch ở TP.HCM sẽ phát triển thêm” - ông Dũng cho biết.

Chính quyền phải vào cuộc

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết hiện có một thực trạng người các tỉnh mang chó vào TP.HCM nuôi hoặc biếu nhưng không có giấy kiểm dịch. Điều này khiến nguy cơ chó mang mầm bệnh dại vào TP.HCM rất cao.

“Do vậy, vai trò của chính quyền địa phương khi xây dựng “vùng an toàn bệnh dại” rất quan trọng. Một khi địa phương quản lý chặt chó nuôi, chó từ địa phương khác mang tới và giám sát tiêm phòng dại đầy đủ thì chắc chắn không xảy ra tình trạng chó dại cắn chết người” – ông Thảo nói.

Theo ông Thảo, UBND TP.HCM vừa ra Quyết định 17/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021. Quyết định này cũng đã quy rõ trách nhiệm của UBND quận/huyện. “Theo đó, UBND quận/huyện phải chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn. Bên cạnh đó, xử lý cán bộ công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý” – ông Thảo nói thêm.

Ông Thảo còn cho biết UBND TP.HCM chỉ đạo UBND quận/huyện phối hợp các cơ quan chuyên ngành thú y, y tế thực hiện các biện pháp tiêm phòng vaccine cho chó, mèo; điều tra và xử lý dịch bệnh dại.

“UBND TP.HCM cũng yêu cầu UBND quận/huyện chỉ đạo các phường/xã triển khai thực hiện việc kê khai, đăng ký quản lý chó mèo nuôi. Đồng thời phối hợp cơ quan thú y theo dõi, cập nhật tình hình biến động đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn. Bên cạnh đó, xử lý các trường hợp vi phạm về nuôi chó, mèo không đảm bảo vệ sinh môi trường, không chấp hành tiêm phòng vaccine dại theo quy định” – ông Thảo cho biết.

 

TP.HCM hiện có hơn 116.600 hộ nuôi chó, mèo với tổng cộng trên 214.100 con. Theo Quyết định 17/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021, TP.HCM sẽ khống chế bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP.

Ông NGUYỄN VĂN DŨNG, Trưởng phòng Chăn nuôi-Dịch tễ thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM.

 
Năm 2018, cả nước có 16 trường hợp tử vong do bệnh dại
Giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, thiệt hại trực tiếp hàng năm trên 800 tỷ đồng.

Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), năm 2017 cả nước có 74 người chết do bệnh dại (giảm 17 ca so với năm 2016) tại 34 tỉnh, TP và hơn 500.700 người phải điều trị dự phòng (85% do chó cắn). Trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước có 16 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 12 tỉnh/TP.

Trích công điện khẩn của Bộ NN&PTNT.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm