TP.HCM: Người dân mong đẩy mạnh cải cách hành chính

TP.HCM đang thực hiện nhiều chương trình đột phá, cùng với đó là việc xây dựng TP trở thành đô thị thông minh, sáng tạo để TP luôn đi đầu cả nước về mọi mặt. Việc khơi dậy và phát huy sức mạnh tinh thần, trí tuệ tập thể đóng góp cho sự phát triển của TP là điều rất quan trọng.

Ban chấp hành Đảng bộ TP, đứng đầu là bí thư Thành ủy mong muốn phát huy dân chủ, thể hiện tinh thần cầu thị, tôn trọng nhân dân và tiếp nhận, lắng nghe những góp ý, sáng kiến của nhân dân trên các lĩnh vực.

Trong các ý kiến đóng góp gửi về Pháp Luật TP.HCM, lĩnh vực cải cách hành chính và phát triển y tế, giáo dục được rất nhiều người dân TP quan tâm, góp ý.

Cần bố trí cán bộ làm việc ngoài giờ

Trong thời gian qua, đã có một số lĩnh vực của TP đẩy mạnh cải cách hành chính. Người dân mong lãnh đạo TP nhân rộng các mô hình này để thuận tiện hơn khi làm thủ tục giấy tờ.

Bạn đọc Tú Trinh góp ý: “Ở các địa bàn đông dân cư, công việc hành chính nhiều thì việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính ngoài giờ hành chính là rất cần thiết. Tôi thấy UBND quận 12, UBND phường 4, quận Tân Bình… đã làm được điều này,  giúp dân rất nhiều trong việc làm các loại giấy tờ. Các cơ quan tiếp nhận giấy tờ như văn phòng đăng ký đất đai, kinh tế, tư pháp… ở UBND các phường, quận đông dân cần linh hoạt bố trí cán bộ làm việc ngoài giờ. Mong UBND TP xem xét, phát huy cách làm này cho các địa bàn khác để giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức khi phải đi làm giấy tờ bởi với nhiều người, nghỉ một buổi làm cũng là vấn đề nan giải”.

Theo bạn đọc Trần Hùng, “Hiện nay mạng xã hội đã có sức lan tỏa rất nhanh và rất mạnh. Tôi thấy một số nơi ở TP.HCM đã sử dụng mạng Zalo trong việc giải quyết thủ tục hành chính hằng ngày thay vì phải trực tiếp đến trung tâm hành chính, người dân có thể thực hiện các thủ tục giấy tờ dễ dàng thông qua ứng dụng Zalo trên điện thoại, máy tính tại nhà. Sự tiện lợi này giúp giảm thiểu nhiều rào cản hành chính rườm rà, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho người dân, cơ quan nhà nước. TP cần nghiên cứu triển khai ra nhiều quận, huyện khác”.

“Vấn đề cán bộ là quan trọng nhất, dù có đưa ra nhiều kế hoạch, khẩu hiệu nhưng người cán bộ thực hiện không có tâm, có tầm thì cũng như không. Chưa nói đến việc cán bộ không có tâm, có tầm thì rất dễ dẫn đến lạm dụng quyền lực gây khó dễ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, khi tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ thì vấn đề đạo đức công vụ phải được xem trọng, rèn luyện thường xuyên. Việc đánh giá cán bộ hằng năm cũng dựa trên tiêu chí này để đảm bảo tính công bằng” - bạn đọc Tâm Đức bày tỏ.

Cán bộ phường 4 (quận Tân Bình, TP.HCM) làm việc ngoài giờ hành chính để phục vụ người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Học sinh Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) học Luật Giao thông đường bộ thông qua những tình huống trực tiếp tại sân trường. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân góp ý về việc khám chữa bệnh tại các bệnh viện ở TP.HCM rất vất vả, mất nhiều thời gian. Trong ảnh: Bác sĩ BV Nhi đồng 1 đang khám cho bệnh nhi. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lo ngại chất lượng giáo dục, y tế

Bạn Minh Tâm góp ý: “Việc khám chữa bệnh tại các bệnh viện ở TP.HCM luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Bản thân tôi và nhiều người rất vất vả, mất nhiều thời gian để khám bệnh ở các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Ung bướu, Trưng Vương, Chấn thương Chỉnh hình, Nhi đồng… Ngành y tế cũng như TP đã đầu tư rất nhiều nhưng tình trạng chờ khám bệnh rất lâu, không đủ giường bệnh vẫn còn. Ngành y tế cần áp dụng mạng xã hội, công nghệ thông tin trong việc đăng ký khám chữa bệnh để rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh. Tại sao các bệnh viện tư nhân, quốc tế họ làm được điều này, các bệnh viện công đa phần không theo kịp. Chưa nói chất lượng phục vụ cũng rất khác xa giữa bệnh viện tư và công. Biết là có nhiều khó khăn khách quan nhưng lãnh đạo ngành, lãnh đạo bệnh viện phải thấy được những khó khăn để giải quyết, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, giảm áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ”.

Quan tâm đến vấn đề giáo dục, bạn Thanh Tùng cho rằng bệnh thành tích trong giáo dục là tình trạng chung của cả nước và mong TP phải đi đầu trong chất lượng dạy và học. “Không chỉ các thầy cô mà ngay cả các em học sinh, sinh viên cũng chạy theo bệnh thành tích. Nhiều học sinh không chú tâm đến phần kiến thức mình thu nạp được bao nhiêu, mà chỉ chú trọng làm sao có điểm cao, kết quả đẹp về trình cha mẹ. Ban giám hiệu nhà trường thì lo làm sao để đạt chỉ tiêu học sinh khá giỏi tăng đều hằng năm… Thử hỏi thầy trò khi dạy và học đều chạy theo thành tích như vậy thì làm sao đào tạo được nhân tài cho đất nước. Học sinh thì yếu kém về kiến thức, kỹ năng sống, sinh viên thì thiếu kiến thức thực tế, không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp” - bạn đọc Thanh Tùng viết.

“Tôi muốn TP không còn nạn cướp giật!”

Một hình ảnh làm xấu hình ảnh của TP.HCM hiện nay là nạn cướp giật. Tôi muốn TP mình không còn nạn cướp giật xảy ra nhiều như hiện nay. Điều này làm người dân bất an, du khách lo ngại, ra đường không dám mang túi xách, phụ nữ không dám chưng diện nữ trang.

Tôi hiểu những cái khó của TP, muốn dẹp yên nạn cướp giật thì cần nhiều yếu tố, cần thời gian chứ không thể ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, tôi mong TP tập trung lực lượng tinh nhuệ để có thể dẹp yên được cướp giật ở các quận trung tâm TP. Các mô hình hoạt động như cảnh sát du lịch, thanh niên xung kích, nhóm “hiệp sĩ”… Lãnh đạo TP cần xem xét cái nào phù hợp, hiệu quả thì triển khai đồng đều các quận, huyện. Có như vậy, tội phạm sẽ chùn tay gây án, tạo hình ảnh TP.HCM an toàn, đáng sống trong mắt người dân, du khách.

Bạn đọc Ngô Trang Nhung 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm