‘Tôi thấm thía chia sẻ của phó chủ tịch quận Tân Phú’

Mới đây, trong chiến dịch giành lại vỉa hè, ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, đã gây nhiều chú ý với chủ trương quận Tân Phú “Dẹp lòng đường nhưng không triệt nguồn sống của dân” (đăng trên báo Pháp Luật online TP.HCM ngày 28-2).

Cách nghĩ của vị phó chủ tịch quận đã tạo một làn sóng không nhỏ trong dư luận.

Lãnh đạo có tâm và có tầm

Lý giải về chủ trương này, ông Nguyễn Quốc Thái cho hay quận Tân Phú có gần 50% là dân tạm trú. Nhiều gánh hàng rong là cả nguồn nuôi sống của một gia đình. Vì vậy, trong quá trình lập lại trật tự lòng, lề đường, chủ trương của quận là sắp xếp lại trật tự kinh doanh trên các tuyến đường đủ điều kiện, có vỉa hè rộng, vừa tạo điều kiện cho bà con buôn bán, vừa có lối đi cho người đi bộ. Tuy nhiên, đối với những trường hợp thường xuyên vi phạm, không chấp hành sự sắp xếp thì sẽ kiên quyết xử lý. Ông cũng cho biết giải pháp căn cơ mà quận luôn trăn trở là tìm địa điểm, giới thiệu việc làm để giúp bà con buôn bán, làm việc ổn định.

Từ lý giải này, đã có nhiều ý kiến đồng tình, bày tỏ sự cảm động với tư duy của một lãnh đạo quận, cho rằng việc làm này có tình người và rất nhân văn trong bối cảnh bà con còn sống dựa nhiều vào mua bán nhỏ như hiện nay.

Ông Phạm Quốc Thái xuống đường xử lý trật tự lòng, lề đường. Ảnh: T.PHÚ

“Cũng là sắp xếp lại vỉa hè mà sao hành động của phó chủ tịch quận Tân Phú tình người đến cảm động. Xin cảm ơn ông!” - bạn có nickname Nông Văn Dân xúc động bày tỏ.

“Bộ mặt đô thị văn minh về lâu dài cần phải có quy hoạch khu vực kinh doanh hẳn hoi. Dành lại vỉa hè cho người đi bộ là cần thiết nhưng việc thực hiện thế nào cho khoa học, cho căn cơ và bảo vệ quyền lợi cho dân mới là quan trọng nhất” - bạn đọc Thuấn (Thuan…@gmail.com) nêu quan điểm.

Có bạn đọc còn khẳng định chuyện lấn chiếm vỉa hè thì không thể không dẹp nhưng đừng vô cảm. “Người giàu lấn chiếm vỉa hè thì có dẹp cũng không sao vì họ còn có thể xoay xở được. Nhưng người nghèo họ bán vỉa hè chỉ để kiếm cơm sống qua ngày thì sao. Chính quyền nên tạo điều kiện để họ có chỗ buôn bán cho hợp pháp hoặc tạo điều kiện cho họ chuyển đổi nghề thì mới hợp lý” - bạn Mỹ (haiculan@...) tâm tư.

Bạn đọc Phạm Văn Thạnh (quận 6) đồng quan điểm: “Cần cho họ có thời gian để chuẩn bị tinh thần và có thời gian tìm việc khác chứ không nên kiên quyết nói dẹp là dẹp ngay. Nên thực hiện từng bước một, gấp gáp quá thì cũng không nên, dễ gây bức xúc trong xã hội”.

… Nhưng cần quyết liệt hơn

Xét trong tình hình xã hội hiện nay, kinh doanh vỉa hè gần như đã được coi là một nét văn hóa khá đặc thù ở TP.HCM. Tuy nhiên, lấn chiếm gây ảnh hưởng đến giao thông, gây kẹt xe liên miên như trong tình hình hiện nay thì lại là chuyện khác. Do đó cũng có những ý kiến phản đối chủ trương này của vị phó chủ tịch quận Tân Phú vì cho rằng quyết định này là “duy tình”, dễ gây “nhờn” pháp luật.

“Những người buôn bán hàng rong sẽ phải dẹp gánh hàng rong của mình, kiếm nghề khác hoặc tìm nơi bán khác, vào chợ chẳng hạn. Lãnh đạo mà “duy tình” như thế thì xã hội không thể tiến lên được” - bạn Quang Hồng (hong12…@gmail.com) bày tỏ quan điểm.

Lo sợ chuyện làm thông thoáng vỉa hè sẽ đâu lại vào đó, bạn đọc Nguyễn Thị Huyền (quận 3) gửi gắm: “Các vị lãnh đạo không thể nhìn ở tầm đấy được. Có thể việc dẹp những gánh hàng rong sẽ gây khó khăn cho họ nhưng buộc phải chấp nhận và không tiếp tục làm điều sai nữa, rồi họ sẽ tìm được một công việc khác phù hợp. Để đổi lấy một xã hội văn minh thì chúng ta buộc phải hy sinh và chịu đau lòng trước mắt”.

Nhiều người ủng hộ

“Tôi ủng hộ cách làm của quận Tân Phú. Dân tỉnh chúng tôi bị ảnh hưởng bởi mấy chuyện từ lụt, hạn khổ lắm rồi. Phải tha hương vào Sài Gòn mà bị đuổi nữa là triệt đường sống của chúng tôi” - Tín Lâm (tinlam@...)

“Tôi thuở nhỏ cũng từng buôn bán vỉa hè. Nhiều người bạn của tôi có cha mẹ cũng từng buôn bán vỉa hè nhờ đó mà họ mới có được thành công như ngày hôm nay, thành công hơn cả những người gia đình có đầy đủ điều kiện. Rất cám ơn ông phó chủ tịch đã hiểu cho cuộc sống khó khăn của dân nghèo” - Mỹ (haiculan@...)

“Từ trước đến nay, gia đình tôi chỉ sống bằng đồng lương giáo viên, công chức thôi nhưng tôi rất cảm thông, đồng cảm với mưu sinh của nhiều bà con. Tôi rất thấm thía chia sẻ phát biểu đầy ắp tình người của ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú” - Trần Quang Định (trandinh@...)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm