Tội phạm giết người ẩn chứa nhiều nguyên nhân

Vấn đề cần quan tâm là xu hướng tăng dần về số lượng và tính chất nghiêm trọng của nó đã làm bàng hoàng dư luận, mà mới nhất là vụ Lê Văn Luyện giết người, cướp tiệm vàng ở Bắc Giang và vụ Nguyễn Văn Quân giết hai mẹ con ở Bình Dương.

Để có câu trả lời cho hiện tượng này quả thật không dễ. Cách đây vài thế kỷ, tội phạm giết người nói riêng và tình hình tội phạm nói chung đã được các nhà tội phạm học nghiên cứu ở góc độ nhân chủng học, tâm lý học, xã hội học, thần kinh học. Tạm gác lại những bằng chứng về sinh học, bệnh lý vì chưa được nghiên cứu thấu đáo ở VN và chưa đủ sức thuyết phục, chúng ta có thể tiếp cận, lý giải vấn đề ở góc độ kinh tế, xã hội, tâm lý và quản lý.

Thứ nhất, nguyên nhân kinh tế của tội phạm giết người. Điều dễ thấy là phần lớn người phạm tội không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng thiếu sự chia sẻ của người thân và cộng đồng. Áp lực khó khăn kinh tế và thiếu việc làm là nguyên nhân cơ bản nhất của nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xâm phạm sở hữu, trong đó có giết người, cướp tài sản.

Thứ hai, nguyên nhân tâm lý, văn hóa, giáo dục. Phần lớn phẩm chất tâm lý tốt, xấu của người phạm tội có được là do học hỏi, tiếp thu từ môi trường xã hội. Trình độ học vấn thấp, nhận thức hạn chế, sống thiếu lý tưởng cùng với tệ nạn xã hội bủa vây (ma túy, cờ bạc, game, rượu chè và những thú vui ăn chơi khơi gợi hứng thú bản năng…) làm cho thanh thiếu niên thiếu hiểu biết, kém bản lĩnh, mù quáng dễ sa ngã và phạm tội. Giá trị của quyền được sống, được tôn trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của con người… không hiện diện trong tâm lý, ý thức người phạm tội. Vì thế, một người có thể đang tay giết đồng loại của mình một cách lạnh lùng, không chút xúc cảm.

Mặt khác, tội phạm cũng cần được nhìn nhận như là phản ứng tự phát của cá nhân trước cuộc sống thiếu sự quan tâm chia sẻ. Cảm giác của sự cô độc, bị phân biệt đối xử, lệ thuộc và trả thù cá nhân là nguyên nhân của tội phạm giết người hàng loạt ở nhiều nước trên thế giới. Ngày nay, xã hội có xu hướng đề cao lợi ích vật chất, lấy tiền bạc làm thước đo giá trị và đem ra mặc cả trong quan hệ xã hội, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, xử sự vi phạm quy tắc đã làm sai lệch nhân cách của từng thành viên cộng đồng. Đó cũng là nguyên nhân làm cho tội phạm nói chung, tội phạm giết người, cướp tài sản nói riêng không giảm mà còn diễn biến phức tạp hơn.

Thứ ba, nguyên nhân tổ chức, quản lý xã hội. Không phải mọi người trong xã hội đều có ý thức tự giác. Vì thế xã hội cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Tội phạm xảy ra một phần là do quản lý xã hội kém. Gia đình bận rộn làm ăn không quan tâm đến thành viên làm gì, ở đâu, quan hệ xã hội thế nào. Nhà trường cũng chưa quản lý chặt chẽ học sinh, kỷ luật không nghiêm để xảy ra tình trạng đánh nhau, làm nhục kiểu xã hội đen. Chính quyền không đủ sức quản lý dân cư, đặc biệt là dân nhập cư, không việc làm, đối tượng lưu manh, côn đồ, tiền án, thường dính dáng đến tệ nạn xã hội. Đó cũng là nguyên nhân của tội phạm.

Để phòng ngừa tội phạm, trước hết xã hội cần có sự chia sẻ ở nhiều lĩnh vực. Xã hội giàu có, phát triển nhưng không vô cảm. Bởi nếu xã hội phát triển nhanh về kinh tế mà đạo đức đi xuống thì sẽ gây ra nhiều “thảm họa”, trong đó có tội phạm giết người, cướp tài sản…

(*) Trưởng bộ môn Tội phạm học, khoa Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM

Thạc sĩ LÊ NGUYÊN THANH (*)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm