Trả lương trễ hạn là sai phạm

Tuy nhiên, thời gian qua công ty liên tục trả lương chậm, lúc thì trễ một tuần, lúc thì trễ 10 ngày mà không hề có một lời xin lỗi hay thông báo gì. Xin hỏi theo quy định hiện hành, công ty có được phép trả lương trễ như vậy không?

Nguyễn Mỹ Ngọc, thị xã Dĩ An, Bình Dương

Luật sư NGUYỄN THANH VIỆT, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo quy định của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.

Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá một tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy, nếu công ty của bạn trả lương liên tục chậm trễ mà không có thông báo gì cho người lao động và không thuộc trường hợp đặc biệt gì để không thể trả lương đúng hạn là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

Vừa qua, tôi chạy xe vi phạm luật giao thông thì bị xử phạt 200.000 đồng. Những lần trước tôi bị lập biên bản rồi sau đó đến công an nhận quyết định và đến kho bạc đóng phạt. Lần này thì không thấy lập biên bản gì cả mà bị ra quyết định nộp phạt ngay. Tôi thắc mắc liệu đây có phải là hình thức làm luật không thì được cảnh sát giao thông giải thích là luật cho phép. Tôi hơi ấm ức.

Lê Văn Thành, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Luật sư ĐINH VĂN LƯƠNG, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Như vậy, bạn vi phạm luật giao thông với mức phạt 200.000 đồng thì người xử lý có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ mà không cần phải lập biên bản.

N.ĐỊNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm