Nuôi chim yến có phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường?

Cho tôi hỏi tôi có đánh giá tác động môi trường không, thủ tục ra sao?

Bạn đọc Nguyễn Hoàng (Đồng Nai)

Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Nghị định 18/2015 thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trong việc chăn nuôi, chăm sóc động vật hoang dã tập trung có quy mô chuồng trại từ 1.000 m2 trở lên đối với gia súc, gia cầm và có quy mô chuồng trại từ 500 m2 trở lên đối với động vật hoang dã.

Tuy nhiên, Nghị định 40/2019 sau đó (sửa đổi Nghị định 18/2015) đã thay đổi tiêu chí xác định này.

Cụ thể, những dự án có quy mô từ 50 động vật hoang dã trở lên, hoặc có quy mô chuồng trại từ 500 đầu gia súc, hoặc 20.000 đầu gia cầm trở lên thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Còn đối với những dự án có quy mô từ năm động vật hoang dã đến dưới 50 động vật hoang dã, hoặc có quy mô chuồng trại từ 100 đến dưới 500 đầu gia súc, hoặc từ 5.000 đến dưới 20.000 đầu gia cầm thì phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường.

Theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Thông tư 04/2017 ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định chim yến thuộc bộ yến là động vật hoang dã.

Do đó, căn cứ vào quy định trên, ông phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường cho cơ sở nuôi chim yến theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu dự án không chiếm dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư không phải của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội; cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư không phải của Bộ NN&PTNT hay bộ khác thì báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thuộc thẩm quyền và phê duyệt của UBND tỉnh nơi thực hiện dự án.

Vì vậy, ông cần liên hệ với UBND tỉnh nơi thực hiện dự án nuôi chim yến để hỏi thủ tục, nộp hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm