Người ngoài có được tố cáo cha mẹ đánh con?

Kế bên nhà tôi có cặp vợ chồng thường xuyên đánh con. Đứa con của hai vợ chồng này chỉ mới 10 tuổi nhưng mỗi lần đi học về trễ hoặc làm bài không được là hết vợ đến chồng dùng roi đánh bé. Cho tôi hỏi, việc người lớn là cha mẹ đánh con cái thì có bị tội không? Tôi là người ngoài, có thể báo cho chính quyền địa phương việc này được không?

Bạn đọc có địa chỉ mail thuhang…@gmail.com

Luật sư Đặng Thành Tài, Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu, trả lời: Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia định 2007 nêu rõ các hành vi bị cấm gồm có hành hạ, ngược đãi, đánh đập… xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của các thành viên trong gia đình.

Như vậy có thể thấy mọi hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ... con cái của cha mẹ đều là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm nên tùy vào mức độ, tính chất của việc đánh con, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu cha mẹ đánh đập con cái có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:

Tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội hành hạ người khác nếu gâu ra hậu quả và tùy theo mức độ khác nhau. Khung hình phạt cao nhất của tội  này là ba năm tù giam.

Tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì hành vi đánh đập kể trên sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em, gây tổn thương về mặt tinh thần, dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần.

Ngoài ra, Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng có quy định sẽ phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình

Như vậy, người ngoài có quyền khiếu nại hoặc tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền: UBND hoặc công an để yêu cầu các cơ quan này xử lý đối với hành vi vi phạm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của trẻ em.

Bên cạnh đó, nạn nhân của bạo hành gia đình cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do UBND cấp xã công bố để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm