Giấy khai sinh là giấy tờ gốc của cá nhân

Vừa qua, cha tôi nộp giấy khai sinh để kê khai di sản thừa kế thì phát hiện chữ đệm trên giấy này là Hoàng trong khi chữ đệm trong tất cả giấy tờ khác như hộ khẩu, CMND, giấy tờ xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẻ bảo hiểm y tế ...là Hoàn. Cán bộ xã yêu cầu cha tôi (năm nay 55 tuổi) phải làm thủ tục đổi chữ đệm trong CMND, hộ khẩu theo đúng như giấy khai sinh thì mới giải quyết. Tôi nghĩ làm vậy rất cực vì phải điều chỉnh nhiều giấy tờ khác trong khi đó chỉ cần đổi chữ đệm trong giấy khai sinh giống các giấy tờ khác là ổn đỡ mất thời gian. Tuy nhiên, cán bộ này cho rằng giấy khai sinh là giấy tờ gốc nên tất cả giấy tờ khác phải điều chỉnh theo giấy này. Việc này pháp luật quy định ra sao?

Trần Hoàng Phương (tutuphuong@gmail.com)

Luật sư TRỊNH THỊ BÍCH, Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, quy định “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó”

Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì giấy khai sinh là căn cứ gốc buộc các giấy tờ tùy thân khác như là hộ khẩu, CMND, học bạ, văn bằng... phải giống theo. Giấy khai sinh là cơ sở để điều chỉnh tất cả các giấy tờ liên quan khác mà thông tin trên đó khác so với giấy khai sinh.Trường hợp của cha bạn không thể điều chỉnh chữ Hoàng trong giấy khai sinh theo chữ Hoàn trong các loại giấy tờ nêu trên mà cha bạn phải làm ngược lại là điều chỉnh chữ Hoàn trong tất cả giấy tờ khác theo chữ Hoàng trong giấy khai sinh mới đúng. Cán bộ xã giải thích như trên là đúng luật. Cha của bạn có thể liên hệ với cơ quan công an cấp huyện để làm thủ tục yêu cầu điều chỉnh chữ Hoàn trong giấy CMND và hộ khẩu đúng với chữ Hoàng trong giấy khai sinh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm