Đang chờ cấp GPLX, có được điều khiển xe?

Tôi vừa thi đỗ sát hạch xe máy, đang chờ nhận giấy phép lái xe (GPLX). Xin hỏi, trong thời gian chờ cấp GPLX, tôi điều khiển xe máy có được không? Nếu không thì sẽ bị xử phạt thế nào?

Bạn đọc Đỗ Huỳnh Huy (huy1997…@gmail.com)

Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

- Đăng ký xe;

- GPLX đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của luật này;

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 35 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định, căn cứ quyết định công nhận trúng tuyển kỳ sát hạch, tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giám đốc Sở GTVT cấp GPLX cho người trúng tuyển.

Ngày trúng tuyển ghi tại mặt sau GPLX là ngày ký quyết định công nhận trúng tuyển kỳ sát hạch.

Theo các quy định trên, GPLX là một trong các loại giấy tờ bắt buộc người lái xe phải mang theo khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong thời hạn chờ cấp GPLX thì bạn vẫn được xem là chưa có GPLX. Do đó, nếu bạn điều khiển xe lưu thông trên đường trong thời gian chờ cấp GPLX mà bị kiểm tra hành chính thì bạn vẫn sẽ bị xử phạt về lỗi không có GPLX khi tham gia giao thông.

Cụ thể, Điều 21 Nghị định 46/2016 quy định:

- Phạt tiền 80.000-120.000 đồng đối người điều khiển xe mô tô, xe máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe máy không mang theo GPLX.

- Phạt tiền 800.000-1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa.

Mặt khác, theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, trong trường hợp người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông, không có GPLX mà gây tai nạn giao thông dẫn đến hậu quả chết người, gây thương tật cho người khác từ 31% trở lên, gây thiệt hại về tài sản 100-500 triệu đồng thì bị phạt tù ba năm đến 10 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm