Bị CSGT xử phạt khi không có lỗi, phải làm sao?

Tôi thường thấy CSGT cho dừng các phương tiện đang lưu thông để kiểm tra giấy tờ, phương tiện... Xin hỏi, nếu qua kiểm tra không phát hiện lỗi mà CSGT vẫn xử phạt thì người dân phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Bạn đọc Nguyễn Văn Dũng (Hóc Môn, TP.HCM)

Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012, CSGT khi xử phạt hành chính phải có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm; người tham gia giao thông cũng có quyền chứng minh bản thân không vi phạm.

Còn theo Điều 14 Thông tư 01/2016, nếu người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được hành vi vi phạm thì CSGT phải cho xem ngay tại chỗ khi đã có hình ảnh, kết quả thu được. Nếu chưa có ngay thì hướng dẫn người vi phạm đến trụ sở đơn vị để xem.

Trường hợp CSGT không phát hiện lỗi vi phạm nhưng vẫn cố tình xử phạt thì người bị xử phạt có quyền khiếu nại.

Việc khiếu nại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua đơn khiếu nại trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định, hành vi hành chính.

Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 quy định trình tự khiếu nại quyết định hành chính như sau:

- Người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.

- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.

- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm