6 trường hợp bản chính không được dùng để chứng thực bản sao

Hỏi:

Tuần rồi, tôi có việc phải đi chứng thực bằng cử nhân. Tuy nhiên do bằng cử nhân của tôi bị lem mực ở một góc làm nhòe mất một số chữ. Cán bộ UBND phường đã từ chối chứng thực bản chính bằng cử nhân của tôi vì lý do này. Cho tôi hỏi, lý do không chứng thực được vị cán bộ phường đưa ra có đúng không? Pháp luật quy định về việc này như thế nào? 

Bạn đọc Mai Thế Chung (Bình Phước).  

Trả lời:

Theo Điều 22 Nghị định 23/2015, các loại giấy tờ, văn bản sau đây không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao:

- Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung;

- Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ;

- Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp;

- Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân;

- Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền

- Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự.

Như vậy, trường hợp của bạn rơi vào nguyên nhân đầu tiên như đã nêu trên, do đó bản chính sẽ không có giá trị trong việc chứng thực cho bản sao. Cán bộ phường từ chối chứng thực trong trường hợp này là đúng. Bạn nên liên hệ với đơn vị cấp bản chính để xin cấp lại. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm