Tòa thụ lý vụ án, viện nói chưa được

Ông Trần Đức Nam (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết vừa qua TAND tỉnh Đồng Nai đã thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp đất và nhà của ông với một người xưng là chủ cũ của khối tài sản trên. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm thiếu khách quan, quên triệu tập nhiều người liên quan và đặc biệt là thụ lý vụ án khi chưa đủ điều kiện… gây thiệt hại cho phía ông.

Người bảo mua, người nói ở nhờ

Theo ông Nam, trước đây ông nhờ người mua một lô đất ở TP Biên Hòa, trên đó có ngôi nhà nhỏ. Việc giao tiền và làm thủ tục ông không giao dịch trực tiếp với người bán mà thông qua một cán bộ phường. Ông sử dụng ổn định từ năm 1985 đến nay, đã nhiều lần sửa chữa nhà và đều xin phép phường. Vừa qua, một người xưng là chủ cũ của tài sản trên nại rằng người này chỉ nhờ cán bộ phường giữ đất và nhà. Năm 1985, người cán bộ phường lại nhờ ông đến ở. Năm 2000, ông kê khai và được chính quyền cấp giấy tờ nhà, đất. Việc làm này của ông là không phù hợp, ông phải trả lại nhà, đất.

Phần nhà và đất mà ông Nam và người được xem là chủ cũ đang tranh chấp. Ảnh: TT

Sau khi xem xét, TAND tỉnh Đồng Nai đã thụ lý vụ án (do có yếu tố nước ngoài). Tuy nhiên, ông Nam cho rằng quá trình xử lý vụ án tòa làm không đúng. Đơn cử như biên bản giao nhận chứng cứ thiếu xác nhận và đóng dấu của tòa. Tòa cũng chưa điều tra làm rõ khi những người liên quan chuyển nhượng cho nhau (trước khi ông Nam được cấp giấy tờ nhà, đất), diện tích nhà, đất là bao nhiêu mét... Chưa kể việc hòa giải trước đó ở phường (do có tranh chấp về đất, nhà chỉ chiếm một phần nhỏ trong mảnh đất trên) không đủ thành phần nhưng tòa vẫn thụ lý giải quyết. Thế nhưng các phản ánh trên của ông không được tòa chấp nhận.

Theo quan điểm của tòa, việc thụ lý và giải quyết là đúng quy định. Vừa qua, tòa đã mở phiên tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Nam phải giao trả nhà, đất.

Thụ lý chưa đúng

Vị kiểm sát viên (KSV) trong phiên tòa nêu trên cho rằng việc thụ lý vụ án là không đúng. Vụ án được TAND tỉnh thụ lý lại vào tháng 4-2007 nhưng biên bản hòa giải giữa hai bên tại UBND phường từ năm 1998 (khi nguyên đơn bắt đầu khởi kiện). Mặt khác, quy định thành phần buổi hòa giải phải có đại diện UBMTTQ phường, nội dung hòa giải phải nêu rõ nội dung tranh chấp và mục đích là để hai bên thương lượng. Những điều này đều bị vi phạm. Vì vậy ngay từ đầu chưa đủ điều kiện để TAND tỉnh thụ lý.

Cũng theo KSV, việc thu thập chứng cứ của tòa cũng chưa đúng và chưa đầy đủ. Cụ thể, biên bản giao nhận chứng cứ thiếu xác nhận và đóng dấu của tòa. Một người liên quan khai khi chuyển nhượng có làm giấy tay nhưng tòa chưa thu thập tài liệu này. Cạnh đó, về thời hạn xét xử vụ án tòa cũng vi phạm nghiêm trọng… KSV kiến nghị tòa khắc phục những vi phạm nêu trên nhưng tòa đã không đưa ra nhận định nào trong bản án. Tòa làm như vậy là có sai sót.

THANH TÙNG

Tòa phải nhận định và quyết định

Hai bên có tranh chấp về đất, nhà chỉ chiếm một phần nhỏ trong mảnh đất trên nên buộc hai bên phải ra hòa giải ở cấp xã. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, thủ tục hòa giải ở phường chưa đúng nên tòa chưa thể thụ lý. Tôi đồng ý với quan điểm của phía VKS về vấn đề này, tòa cần thiết phải hoãn xử và đình chỉ vụ án đến khi nào đủ điều kiện thì mới thụ lý giải quyết lại.

Mặt khác, vị KSV cũng đã nêu ra một số vi phạm và đề nghị tòa khắc phục nhưng tòa “làm lơ” là không được. Thông tư liên tịch 04-2012 của VKSND Tối cao, TAND Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự quy định rất rõ vấn đề này. Cụ thể điểm a khoản 1 Điều 8 quy định rõ, KSV được phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, HĐXX trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án. Nếu KSV đã yêu cầu HĐXX khắc phục các vi phạm về thủ tục tố tụng thì HĐXX phải xem xét, quyết định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận. Trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm