Tòa án phải đem lại công lý

Việt Nam chúng ta có câu châm biếm, mang tính đúc kết về sự gắn kết tai hại của ba cơ quan đại diện cho nhà nước phong kiến và thực dân: “Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình/ Ba bộ đồng tình…”. Câu ca dao này được sinh ra ít nhất từ khi bộ máy nhà nước đã hình thành ra ba cấu thành căn bản của nhà nước. Nó nói lên cái thực trạng chuyên chế của nhà nước nửa phong kiến, nửa thực dân của thời kỳ cận đại ở Việt Nam.

Đến nay, việc loại trừ mọi biểu hiện tiêu cực của sự gắn kết nói trên cũng không phải dễ và Hiến pháp năm 2013 đang cố gắng giải quyết thực trạng này.

Thành trì bảo vệ công lý

Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp… TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Có thể nhận xét rằng đây là một trong những thành công lớn của Hiến pháp năm 2013, so với quy định của các Hiến pháp trước đây, kể cả của Hiến pháp năm 1946. Một khi tòa án chuyển sang chức năng bảo vệ công lý thì sẽ có cơ hội cho việc giải tỏa phần nào câu ca dao nói trên.

Bảo vệ quyền con người và vấn đề tòa án bảo vệ công lý có sự liên quan mật thiết với nhau, không thể tách rời. Nếu không nâng cấp tòa án trở thành nơi thực hiện quyền tư pháp bảo vệ công lý thì những quy định về nhân quyền của Hiến pháp có nguy cơ trở thành những tuyên bố chung chung, hình thức mà không có hiệu lực thực thi. Và ngược lại, nếu không quy định một cách rõ ràng quyền con người trong Hiến pháp thì tòa án cũng không có phương hướng rõ rệt cho việc bảo vệ. Vì vậy, sẽ là không đầy đủ nếu chỉ phân tích quyền con người cùng những giá trị của nó mà lại không có sự phân tích tòa án có nghĩa vụ bảo vệ công lý.

Người ta vẫn thường nói: Tư pháp là thành trì bảo vệ tự do, tức là bảo vệ con người với những quyền của họ; chính xác hơn, tư pháp - tòa án chính là thành trì để bảo vệ công lý.


Tư pháp - tòa án là thiết chế bảo vệ quyền con người, là thành trì bảo vệ công lý theo tinh thần Hiến pháp 2013. Ảnh minh họa: HTD

Thiết chế bảo vệ quyền con người

Con người sống với nhau thì không tránh khỏi xảy ra mâu thuẫn, cần phải có sự phân giải đúng sai để gìn giữ cuộc sống bình an với nhau. Quyền của tôi phải được bảo vệ, quyền của anh phải bị tước bỏ nếu anh vi phạm quyền của tôi. Đó là lẽ công bằng, công lý.

Xét xử vì công lý nó khác với xét xử không vì công lý mà vì một thứ gì đó, kể cả việc xét xử để bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước. Lẽ đương nhiên giữa chúng có những đoạn giao thoa với nhau, tạo nên sự văn minh, sự bền vững, sự phát triển của nhà nước, của chế độ. Một khi tòa án trở thành công cụ, thiết chế bảo vệ quyền lợi của nhóm lợi ích của quan chức (ẩn danh dưới sự bảo vệ chế độ) thì đó không phải là bảo vệ công lý. Và thuật ngữ “chủ nghĩa thân hữu” đã được hình thành để chỉ cho những hành vi của nhóm lợi ích nói trên.

Vì vậy, khi quyền con người đã được ghi nhận thì quyền đó phải được bảo vệ. Thiết chế bảo vệ quyền con người là Nhà nước, với một bộ phận chuyên biệt được gọi là tòa án, nhằm đảm nhiệm việc phân xử các vụ việc mâu thuẫn xảy ra. Dân chủ không thể có cơ sở tồn tại nếu hệ thống tư pháp đối xử không công bằng và không bảo vệ quyền lợi đáng được hưởng của người dân.

Sửa luật để Hiến pháp đi vào cuộc sống

Ở Việt Nam, do việc thực hiện nguyên tắc tập quyền là chủ yếu (chỉ mới đây mới thực hiện sự phân công, phân nhiệm và kiểm soát giữa các cơ quan) nên cả một thời gian dài sự phân biệt chức năng nói trên không được ghi nhận trong các BLTTHS.

Thay vì phân biệt ba chức năng buộc tội, gỡ tội và xét xử trong tố tụng hình sự, BLTTHS hiện hành phân thành hai chương căn bản (nằm trong phần Những quy định chung), chương 3 thì quy định về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, chương 4 thì quy định về người tham gia tố tụng. Đó là sự phân biệt giữa các cơ quan nhà nước, người của nhà nước với dân, tức người bị phụ thuộc.

Ngoài ra, việc không phân biệt chức năng này còn thể hiện giữa chủ thể quản lý trại tạm giam và chủ thể có quyền ra lệnh tạm giam. Theo đó, công an vừa quản lý trại tạm giam, vừa thực thi việc bắt giam, điều tra, xét hỏi. Như thế dễ tạo điều kiện xảy ra bức cung, nhục hình, dễ dẫn tới oan, sai.

Sự không phân biệt nói trên trong pháp luật tố tụng hình sự nói trên nếu không được sửa đổi thì khó có thể đưa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 đi vào cuộc sống.

▲▲▲

Làm việc với TAND Tối cao, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng nói: “Tòa án phải đem lại công lý cho mọi người, không phải quan thì nhẹ tay còn dân thì lại làm triệt để. Tòa án phải là nơi mang lại công lý cho mọi người, cho bất cứ thành phần nào. Tòa án không xử oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, không phụ thuộc vào anh Hai, anh Ba, anh Tư nào hết”.

Nếu làm được như lời Chủ tịch nước nói thì công lý sẽ được thực thi, quyền con người được bảo vệ, nền tố tụng nước ta không còn có chuyện “Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình…” như câu ca dao trích ở đầu bài.

_______________________________________

(*) Chuyên gia luật hiến pháp và nhân quyền, khoa Luật ĐHQG Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm