Tìm công lý cho các anh

Bà là Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi, người phụ nữ từ lời thề trước mộ chồng đã có hành trình 37 năm kiên trì giải nỗi oan khuất cho chồng. Câu chuyện của bà đã được đăng tải trên báo chí từ lâu nhưng đây là mốc thời điểm quan trọng nhất. Từ đề xuất của các cơ quan chức năng ở Cà Mau cùng sự đồng hành kiên trì, bền bỉ của Pháp Luật TP.HCM, cuối cùng ông Lữ Anh Dồi đã được chính thức công nhận là liệt sĩ.

Ông Lữ Anh Dồi nguyên là thiếu úy Công an vũ trang thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau). Ông đã bị hai đồng đội biến chất sát hại và vu oan có hành vi phản quốc từ 38 năm trước. Nhờ sự lưu tâm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, vụ việc sau đó được lật lại. Năm 1989, Tòa án Quân sự Trung ương đã minh oan cho ông Dồi và yêu cầu các cơ quan chức năng phục hồi quyền lợi chính trị cho ông. Tòa xử xong, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Minh Hải có giấy báo tử về nhà xác nhận ông Dồi là liệt sĩ. Nhưng sau đó không hiểu vì sao sự việc bị lãng quên, không cơ quan nào đứng ra giải quyết tiếp dù bà Mai vẫn kiên trì khiếu nại để đòi lại lẽ công bằng cho chồng.

Hồ sơ thì nhiều nhưng thông tin chỉ ngắn gọn như vậy. Chúng tôi luôn bị thôi thúc bởi hình ảnh của bà Mai - người phụ nữ đội khăn tang trong phiên tòa năm xưa. Như dựng lại những thước phim quay chậm, chúng tôi đã gặp gỡ những người trong cuộc thời ấy để tìm hiểu thật kỹ. Từ cái chết oan của ông Dồi đến hành trình phá án của các cơ quan tố tụng cùng sự đồng hành của báo chí thời kỳ ấy đều được tái hiện và chuyển tải trung thực đến bạn đọc.

Cuối năm 2016, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Cà Mau đã trả lời bác hồ sơ xin công nhận liệt sĩ cho ông Dồi. Nhiệm vụ của chúng tôi càng nặng nề hơn khi phải tìm ra được những căn cứ pháp lý để phân tích, chứng minh rằng lý do từ chối không thuyết phục. Những bài báo này đã lay động đến ông Phan Diễn (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cũng là người tham gia viết tiểu sử của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh). Trước Tết Nguyên đán 2017, ông Phan Diễn đã trực tiếp gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ để trình bày sự việc.

Thế rồi, niềm vui của người làm báo Pháp Luật TP.HCM vỡ òa khi đầu tháng 2-2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu xem xét, công nhận liệt sĩ cho ông Dồi. Sau đó, một cuộc họp liên ngành dưới sự chủ trì của phó thủ tướng Chính phủ đã đi đến thống nhất đủ điều kiện công nhận liệt sĩ cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi.

Chiều 27-7, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã tổ chức lễ truy điệu và trao bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Lữ Anh Dồi. Hôm ấy, bà Mai chứa chan nước mắt ngậm ngùi, hạnh phúc đã nói lời cảm ơn tận đáy lòng với những người hỗ trợ mình suốt hành trình đi tìm công lý cho chồng.

Bà Nguyễn Thị Mai vui mừng bên người thân trong ngày nhận bằng Tổ quốc ghi công cho chồng. Ảnh: TRẦN VŨ

2. Câu chuyện về anh Vũ Xuân Hải (Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 2 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng) hy sinh cuối năm 2014 trong khi quyết liệt ngăn chặn một vụ vận chuyển gỗ trái phép cũng đầy nước mắt và niềm vui. Chỉ vì cơ quan xét duyệt áp dụng pháp luật cứng nhắc nên anh Hải đã không được công nhận là liệt sĩ.

Trong bối cảnh ấy, Pháp Luật TP.HCM cũng là người đồng hành với chị Nguyễn Thị Thoa (vợ anh Hải). Chị Thoa từng rơi vào tình trạng loạn thần trong gần hai năm từ khi hay tin chồng mình hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ. Các phóng viên, biên tập viên của báo chia sẻ nỗi đau, sự mất mát của chị và lấy đó làm động lực trong suốt quá trình tìm công lý cho anh Hải.

Những bài báo ấy nhanh chóng nhận được sự chia sẻ đầy trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) và ông Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Chủ nhiệm ủy ban này) cùng lãnh đạo Cục Kiểm lâm, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, các đồng nghiệp của anh Hải.

Một ngày tháng 4-2016, cuộc đồng hành của chúng tôi đến đích khi Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công cho anh Hải. Thời gian dần lùi xa nhưng cảm xúc khi chúng tôi chứng kiến cảnh chị Thoa cầm trên tay tấm bằng Tổ quốc ghi công chồng và nức nở khóc thì không bao giờ phai nhạt. Chúng tôi thật hạnh phúc khi được đồng hành cùng chị cùng hương hồn người cán bộ kiểm lâm đã tận hiến cuộc đời mình và hy sinh để bảo vệ rừng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm