Tiền “bồi dưỡng” hay tiền hối lộ?

Tại cơ quan điều tra, các bị cáo khai tiền “làm luật” được đưa vào quỹ của chi cục, sau đó chia theo định suất tùy chức vụ. Tuy nhiên, khi được thẩm vấn trước tòa, các bị cáo đều phủ nhận các lời khai trước đây, cho rằng họ bị điều tra viên ép cung.

Riêng về phía người đưa tiền, một bị cáo khác cho biết có đưa tiền cho hải quan nhưng là tiền... bồi dưỡng “vì thương anh em làm việc ngoài giờ, ban đêm”...

Chưa rõ thực hư thế nào nhưng lâu nay hiếm có trường hợp người chung chi và người “làm luật” chịu thừa nhận họ đã thực hiện hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Đơn giản là những hành vi đó bị xem là tội phạm và cả người đưa, người nhận có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Song thử ngẫm nghĩ xem, nếu không có dụng ý riêng, người ta đưa-nhận tiền để làm gì.

Chẳng hạn ở vụ án Thiên Lợi Hòa, rất có thể các nhân viên hải quan đã nhận tiền để ngó lơ (không làm tốt công tác kiểm tra) nhằm giúp công ty dễ dàng nhập lậu lá thuốc lá. Người của công ty, tiếng là bồi dưỡng nhưng thực ra cũng hướng đến mục đích trên nên mới đưa tiền.

Tựa như căn bệnh mãi lộ, các cơ quan pháp luật hiếm khi xử lý các cá nhân liên quan về hai tội danh đưa hối lộ và nhận hối lộ. Đồng ý là “muốn xử lý thì phải có bằng chứng cụ thể” nhưng một câu hỏi cần đặt ra “không có chứng cứ hay người ta không muốn tìm chứng cứ”.

Vì sao các nhà báo chẳng có nghiệp vụ điều tra vẫn có thể thu thập bằng chứng nạn chung chi ở hai ngành trên qua phim, ảnh, ghi âm...? Nếu các cơ quan chức năng cứ tiếp tục thụ động, chờ có chứng cứ hay có người khai nhận cụ thể, tình trạng hối lộ và mãi lộ bao giờ mới thật sự chấm dứt?

THANH PHONG (Quận 7)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm