Thủ dâm trên xe buýt và lời khuyên của bác sĩ

Thủ dâm trên xe buýt, phụ xe sàm sỡ hành khách trên xe lúc khách đang ngủ, ấu dâm trẻ em trong thang máy…. Liệu các hành vi này là bệnh lý hay biến thái, cố ý hay vô ý, thụ động hay chủ động, xử lý kiểu tội phạm, hay tha thứ đồng cảm.

Người đàn ông bị phát hiện thủ dâm trên xe buýt ngày 21-6. 

Nạn nhân đừng la hét, hoảng sợ

Trong chuyên khoa Tâm thần, các bệnh lý thủ dâm trên xe buýt, phụ xe sàm sỡ hành khách trên xe lúc khách đang ngủ, ấu dâm trẻ em trong thang máy... nói trên thuộc chương: Rối loạn sở thích tình dục (F65. X).

Tùy thuộc vào bệnh lý cụ thể mà có mã số cụ thể riêng. Ví dụ: F65.0: Loạn dục đồ vật. F65.1: Loạn dục cải trang đồ vật. F65.2: Loạn dục phô trương. F65.3: Loạn dục nhìn trộm…

Tôi đã từng xem xét, giám định trường hợp một nam thanh niên bị cơ quan điều tra gửi đến giám định. Anh ấy leo tường vào nhà của nữ công nhân. Bao nhiêu điện thoại Iphone, tiền bạc anh ta không lấy mà chỉ lấy cái quần lót. Khi thẩm vấn, anh ta nói chỉ muốn lấy thứ đó về cầm, ngửi, để trong túi áo để cảm thấy thỏa mãn và sung sướng như được quan hệ tình dục. Đây là đặc trưng của biểu hiện mà trong chuyên khoa tâm thần gọi là “Loạn dục đồ vật”.

Riêng hành vi nam giới thích khoe “của quý” nơi công cộng và tìm mọi cách để người khác giới nhìn vào cơ quan sinh dục của mình là một biểu hiện của bệnh rối loạn về sở thích tình dục, còn gọi là loạn dâm phô trương.

Những người mắc chứng bệnh này thường có sở thích khoe bộ phận sinh dục tại nơi công cộng cho người khác giới nhìn thấy và tự kích thích cơ quan sinh dục của mình. Đây là cách để họ đạt được khoái cảm trong tình dục.

Đặc biệt, khi nạn nhân càng hoảng sợ, la hét thì người mắc bệnh càng cảm thấy khoái cảm hơn. Nếu nạn nhân nhìn thấy người khác cố tình phô trương của quý, thủ dâm... thì cần giữ bình tĩnh, quay mặt đi và giả vờ như không quan tâm. Chọn cách ứng xử đó, nạn nhân đã làm giảm đi sự xung động, lệch lạc về tình dục của người bệnh. 

Về bản chất, người mắc bệnh chỉ thích khoe “của quý” trước người khác giới. Họ không có nhu cầu quan hệ tình dục. Do đó, người bệnh không có xu hướng tấn công tình dục.

Mặc khác, với hành vi làm tình nơi công cộng, khỏa thân nơi công cộng cần phải xem xét ở góc độ nhiều góc độ bao gồm cả bệnh lý, tính cách, nhân cách. Một cá nhân thực hiện các hành vi làm tình, thỏa thân nơi công cộng có thể xuất phát từ bệnh lý nhưng cũng có thể là từ tính cách, lối sống thích gây sự chú ý cho cộng đồng.

Như vậy, xét trên từng trường hợp với các biểu hiện hành vi cụ thể của các đối tượng mà chúng ta xem xét các trường hợp đó có phải là bệnh lý hay không? Nếu có thì thuộc bệnh lý gì? 

Người bệnh vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

Cần nói rõ rằng người có bệnh lý lệch lạc về sở thích tình dục trong chừng mực nào đó vẫn đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đủ khả năng nhận thức việc mình làm là đúng hay sai, nhận biết rõ hành vi của mình có vi phạm pháp luật hay không. 

Thực tế, các hành vi trên đã ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục dẫn đến những bức xúc to lớn trong cộng đồng.

Người mắc bệnh cần phải có ý thức tự kiềm chế hành vi sai trái của bản thân. Họ nên tìm đến bệnh viện, chuyên gia tâm lý để điều trị và không thể lấy bệnh lý của mình làm lá chắn trước pháp luật.

Ngoại trừ những người bệnh có bệnh lý loạn thần, bị ảo thanh hay hoang tưởng chi phối dẫn đến mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì mới được miễn truy tố và được đi điều trị bắt buộc. Còn với những cá nhân khác (dù thuộc bệnh lý như đã phân tích ở trên) đều phải chịu trách nhiệm trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. 

BS Trần Minh Khuyên lý giải về các căn bệnh lạc dục. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Riêng việc điều trị cho các bệnh nhân cần dựa trên nguyên nhân, các yếu tố có thể gây ra bệnh lý để có phương pháp điều trị phù hợp. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần điều trị các bệnh lý đi kèm như các rối loạn về lo âu, trầm cảm, rối loạn về hành vi  hay ám ảnh cưỡng chế…

Người bệnh có thể được điều trị thông qua các buổi giáo dục về tình dục, quan hệ xã hội… giúp bệnh nhân thay đổi nhận thức về hành vi. Tuy nhiên kết quả thường không cao. Tỉ lệ tái diễn hành vi của các bệnh nhân có trị liêu vẫn cao xấp xỉ so với các bệnh nhân không trị liệu. Song song phương pháp điều trị về hành vi, người bệnh được điều trị với liệu pháp nhóm, đây là liệu pháp giúp bệnh nhân chia sẻ, giải quyết các cơn xung động tình dục, giáo dục lối sống tích cực, vận động thể lực, để giải tỏa năng lượng; giáo dục về mặt pháp luật…

Ở một phương pháp điều trị khác, bệnh nhân được tiêm các loại thuốc làm giảm hàm lượng testosterone, các ảo tưởng về tình dục. Với phương pháp này, các hành vi quấy rối tình dục có giảm hẳn với tất cả các bệnh nhân. Song ở phương pháp này còn cần thêm nhiều kết quả nghiên cứu.

Với góc nhìn của người làm việc trong ngành tâm thần cũng như trong công tác giám định pháp y tâm thần, tôi thấy ngành y tế, các cơ quan thông tin truyền thông và các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ cập sự hiểu biết về các vấn đề sức khỏe tâm thần, cũng như các bệnh lý thuộc chuyên khoa.

Từ đó, xã hội có cái nhìn sâu hơn về những điều chúng ta thường xem là nhạy cảm và đặc biệt nhằm phòng chống bệnh tật, tránh vi phạm pháp luật và có hướng điều trị kịp thời khi mắc phải.

Nguồn tin

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm