Thịt bơm nước đe dọa bữa ăn tết

Thông tin trên báo chí, Chi cục Thú y TP.HCM cho biết TP.HCM đang đối mặt với tình trạng thịt heo bơm nước có nguồn gốc từ các tỉnh đưa vào. Hầu như ngày nào cơ quan thú y tại chợ đầu mối Bình Điền cũng phát hiện thịt heo bơm nước từ Long An tuồn vào. Càng gần tết thì lượng heo bơm nước đưa vào TP.HCM càng nhiều. Cơ quan thú y TP.HCM kiên quyết xử phạt nhưng tình hình vẫn diễn ra.

Nỗi sợ bệnh tật

Cận tết, nghe các thông tin này càng thêm lo lắng vì đây là thời điểm gia tăng nguồn thịt heo từ các tỉnh đổ về cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của TP.HCM. Tuy TP đã có hàng trăm điểm bán thịt heo truy xuất nguồn gốc nhưng chuyện mua thịt vẫn đang là một công việc khó của người tiêu dùng. Việc bơm nước không chỉ với heo mà cả trâu, bò, gà… đều có tình trạng này. Người tiêu dùng ăn phải loại thịt này bị ảnh hưởng sức khỏe do thịt giảm chất lượng, nhiễm vi sinh. Ngoài ra, trong quá trình bơm nước, các thương lái còn tiêm thuốc tiền mê khiến thuốc tồn dư trong thịt. Hàng đống bệnh tật cho người dùng xuất phát từ đây.

Là người tiêu dùng, tôi đã thấy sự nỗ lực và giải pháp của cơ quan chức năng trong thời gian qua góp phần ngăn chặn phần nào tình trạng trên. Tuy nhiên, với một địa bàn rộng như TP.HCM, vừa là nơi tiêu thụ lượng lớn thực phẩm từ nhiều nguồn, vừa là nơi tập hợp phân phối đi các tỉnh thì khó lòng kiểm soát nổi. Cơ quan thú y có thể kiểm tra và phát hiện được các vụ thịt bơm nước tuồn vào chợ đầu mối nhưng đáng lo là có khá nhiều cơ sở giết mổ lậu tại các tỉnh lân cận TP.HCM, heo bơm nước hoặc có chất cấm dễ dàng đi từ đây vào các chợ nhỏ lẻ.

Một vụ heo bơm nước bị cơ quan thú y TP.HCM bắt quả tang. Ảnh: TRẦN NGỌC

Phải tăng chế tài, sửa quy trình

Để dẹp được nạn bơm nước vào heo, theo tôi, mức xử phạt hiện hành theo Nghị định 119/2013 là quá nhẹ. Cá nhân có hành vi bơm nước vào gia súc chỉ bị xử phạt 5-6 triệu đồng, tổ chức thì bị phạt gấp đôi, không ăn thua gì so với lợi nhuận mang lại.

Đáng nói với lượng heo bơm nước này, theo quy định thì cơ quan chức năng chỉ tạm giữ xử phạt, xong thì chủ lô hàng có thể chờ đến khi heo thải hết nước tạp chất, nếu kiểm nghiệm lại không nhiễm vi sinh thì vẫn tiếp tục cho tiêu thụ ra thị trường. Vì vậy, cần điều chỉnh tăng mức xử phạt thật nặng với số tiền gấp nhiều lần giá trị lô hàng, đồng thời tịch thu tiêu hủy ngay hàng vi phạm.

Đối với việc kiểm tra cần ngăn chặn ngay từ đầu vào, đề nghị cơ quan chức năng siết chặt yêu cầu việc nhập gia súc vào lò giết mổ phải xong trước giờ mổ sáu tiếng đồng hồ theo quy trình kiểm soát giết mổ động vật của Bộ NN&PTNT. Nếu nhập gia súc vào ban đêm thì phải để qua ngày hôm sau mới giết mổ. Lý do đề xuất việc này vì thông thường các thương lái, chủ gia súc chỉ bơm nước cho heo, bò sống trước khi đưa vào lò mổ khoảng 2-4 tiếng để con vật không bị sốc nước mà chết. Việc các thương lái lấy lý do heo, bò về lò trễ do vận chuyển heo từ xa chẳng qua là ngụy biện cho hành vi lén lút bơm nước vào buổi tối trước khi vận chuyển nhập vào lò giết mổ. Ngoài ra, nhập gia súc vào buổi tối cũng là cách thức để các chủ hàng, thương lái có thể qua mặt cán bộ thú y.

Mặt khác, các tỉnh cần phối hợp với nhau lập chốt kiểm dịch để phát hiện các trường hợp đưa gia súc, gia cầm không đạt chất lượng từ tỉnh này sang tỉnh khác.

 

TP.HCM đề xuất lập trạm kiểm dịch lưu động

“Thực trạng vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật qua các tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để tránh né sự kiểm tra của cơ quan thú y đang có xu hướng tăng”. Sáng 2-1, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết.

 “Để ngăn chặn động vật và sản phẩm từ động vật kém chất lượng từ các tỉnh tuồn vào TP.HCM qua các tuyến cao tốc, Chi cục Thú y TP.HCM đang đề xuất UBND TP cho phép đặt trạm kiểm dịch lưu động tại điểm dẫn lên đường cao tốc. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là mặt bằng” - ông Nguyên nói.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, chỉ khi xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm thì UBND tỉnh Đồng Nai mới cho phép đặt trạm kiểm dịch như trên. “Hiện nay, UBND chỉ đạo CSGT tỉnh kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật qua tuyến cao tốc. Khi phát hiện sai phạm, CSGT liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai phối hợp xử lý. Mới đây, CSGT và chi cục đã phát hiện và xử lý trường hợp vận chuyển trên bảy tấn nội tạng heo kém chất lượng trên tuyến cao tốc đưa vào TP.HCM” - ông Quang nói.

TRẦN NGỌC

___________________________________

80 vụ bơm nước vào gia súc, gia cầm trước khi giết mổ được phát hiện trên cả nước trong 11 tháng đầu năm 2016. Con số này tăng 48 vụ so với năm 2015. Báo cáo của Cục Thú y mới đây cho biết như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm