Thi lại văn lớp 10: Học sinh Quảng Bình gánh lỗi của người lớn

Tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa diễn ra ở Quảng Bình, đề thi ngữ văn rất giống với đề thi kết thúc học kỳ II môn ngữ văn lớp 9 của Phòng GD&ĐT TP Đồng Hới ra trước đó. Vì thế, để công bằng cho tất cả thí sinh, Sở GD&ĐT đã quyết định tổ chức thi lại môn ngữ văn cho 6.400 thí sinh bằng đề thi dự bị vào chiều 5-6.

Liên quan đến sự việc này, nhiều nhà giáo, phụ huynh đã bày tỏ quan điểm của mình.

Thi lại chắc chắn học sinh sẽ bị quá tải

Là phụ huynh có con vừa tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM, tôi hiểu rõ những áp lực, căng thẳng mà các học sinh đã trải qua. Cho nên việc tổ chức thi lại sẽ khiến các em quá tải. Bởi các em vừa phải trải qua một đợt ôn tập, luyện thi và thi hết sức căng thẳng. Kết thúc kỳ thi, bản thân các em chỉ muốn được nghỉ ngơi sau những ngày ôn luyện khổ sở. Thế nhưng thay vì được nghỉ ngơi, vì sự cố do người lớn gây ra mà các em lại phải lao vào ôn tập để cho kỳ thi mới. Khoan nói về vấn đề sức khỏe mà chỉ cần nói đến sự sẵn sàng, các em đã không có thì làm sao có thể làm bài tốt.

Theo tôi, không nên tổ chức thi lại, cứ đánh giá trên bài thi vừa rồi là được bởi cho dù trùng đề thì đó cũng là năng lực thật sự của các em.

Anh MINH HUY (Quận Gò Vấp, TP.HCM)

Thi lại sẽ vô tình tạo áp lực, căng thẳng, tốn kém cho học sinh cũng như xã hộiTrong ảnh: Thí sinh vui vẻ rời phòng thi lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Làm khổ học sinh

 TÔ THỤY DIỄM QUYÊN

Thực tế từng có đề thi chung của Phòng GD&ĐT giống với đề thi của một trường THCS trên địa bàn; hay đề thi học sinh giỏi giống với các đề mà các em đã được giáo viên ôn luyện tại trường. Việc giống nhau giữa hai đề thi có thể là sự ngẫu nhiên. Tình huống này không thể xem là lộ đề, nó là sự cố ngoài dự liệu. Cho nên về mặt pháp lý, không việc gì sở phải tổ chức thi lại. Không thể vì một TP đã ra đề mà bắt buộc học sinh cả tỉnh phải thi lại. Vì thế, nên tiến hành chấm thi bình thường, vì điểm số được chấm dựa vào bài viết hiện tại của các em.

Việc cho thi lại là không hợp lý vì tổ chức một kỳ thi như vậy rất phức tạp, tốn kém, mất uy tín và đặc biệt làm khổ học sinh. Điều đáng nói hơn là tại sao cái sai của người lớn lại bắt học sinh phải chịu? Cho nên trong trường hợp này, Sở chỉ nên tổ chức một cuộc họp, trấn an dư luận bằng việc thực tế việc đề ra giống nhau từng xảy ra ở cấp độ khác nhau. Điều này không ảnh hưởng đến điểm số của thí sinh.

TÔ THỤY DIỄM QUYÊN(Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft)

Thi lại để tạo sự công bằng

Ông HUỲNH THANH PHÚ

Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cần trả lời rõ ai là người ra đề, ai chọn đề văn, đề này tại sao trùng lắp với đề của TP Đồng Hới, lý do chọn ngẫu nhiên trùng hay cố ý…

Chuyện đề thi giống nhau cũng đã xảy ra. Nhưng đối với hai đề thi của Quảng Bình thì sự trùng lặp khá nhiều nên Sở cần làm rõ nguyên nhân ở đâu. Theo tôi thì nên tổ chức cho thi lại.

Việc học sinh thi lại gây bức xúc nhưng trong trường hợp này sẽ đem lại công bằng cho tất cả học sinh toàn tỉnh Quảng Bình. Việc tổ chức thi lại sẽ gây lãng phí nhưng chính điều này là một bài học để chúng ta phải chấn chỉnh và cẩn thận hơn trong quy trình ra đề. Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong quy trình ra đề.

Ông HUỲNH THANH PHÚ (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10)

Sở GD&ĐT nên rút kinh nghiệm trong khâu ra đề

Thi lại văn lớp 10: Học sinh Quảng Bình gánh lỗi của người lớn ảnh 4
Ông NGUYỄN VĂN NGAI

Khi sự cố xảy ra, lãnh đạo sở phải nhanh chóng tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao đề thi lại có sự trùng hợp như thế, mức độ giống nhau như thế nào, tỉ lệ ra sao. Nếu xác định đó là sự trùng lặp ngẫu nhiên thì sở nên giải thích để dư luận hiểu, tránh sự căng thẳng. Vì thực tế việc giống nhau giữa các tác phẩm trong đề thi đã từng diễn ra. Do đó, trong trường hợp này không nhất thiết phải thi lại. Bởi thi lại sẽ vô tình tạo áp lực, căng thẳng, tốn kém cho học sinh cũng như xã hội.

Còn nếu trong trường hợp nó là sự trùng lặp cố ý thì nên làm rõ trách nhiệm ở đâu và tổ chức thi lại để tạo sự công bằng cho các thí sinh khác.

Do đó, tùy tình huống cụ thể đòi hỏi lãnh đạo phải có trách nhiệm xác minh. Qua sự xác minh đó sẽ đưa ra phương án phù hợp.

Dù thế nào đây cũng là một bài học trong việc ra đề thi và cần rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tỉnh Quảng Bình cũng như tại các địa phương khác.

Thực tế tại TP.HCM, việc ra đề được tổ chức nghiêm ngặt và có những quy định chặt chẽ. TP sẽ thành lập một hội đồng ra đề, mỗi môn thi sẽ bao gồm một chuyên viên của sở và các thầy cô có kinh nghiệm. Trước khi ra đề, hội đồng ra đề sẽ quán triệt yêu cầu về nội dung đề, cấu trúc và tuyệt đối không được ra đề giống với những nội dung đã kiểm tra tại các cơ sở. Những người ra đề sẽ cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài cho đến khi kỳ thi tổ chức xong.

Ông NGUYỄN VĂN NGAInguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm