Thay đổi hình ảnh cơ quan công quyền

“Đọc bài “Biết xin lỗi dân vì sự làm phiền” (xem trên Pháp Luật TP.HCM ngày 5-5) chúng tôi rất tán thành. Mong rằng các cơ quan chức năng, cán bộ công quyền tiếp tục có những động thái tích cực, có những hành xử chuẩn mực, phù hợp để người dân không còn thấy bực mình nữa…” - nhiều bạn đọc đã phản hồi như trên và hy vọng lời xin lỗi phải gắn với những hành động thiết thực.

Nói dễ nghe, không ai giận được

Cách đây không lâu, tôi có việc đến một ủy ban phường để chứng các giấy tờ. Khi nộp hồ sơ vào, chờ khá lâu mà chưa được giải quyết, tôi liền đến hỏi cán bộ sao lâu thế. Tuy nhiên, cô cán bộ chỉ nói một câu: “Chờ đi”. Nghe vậy vốn nóng tính, tôi lớn tiếng cự lại với cô cán bộ và hỏi cơ quan nhà nước làm việc, bắt dân phải chờ đến khi nào. Ngay lúc đó, một anh cán bộ khác bước ra, nhẹ nhàng mong tôi thông cảm vì các lãnh đạo đang họp với ban thanh tra và xin lỗi tôi. Nghe những lời giải thích như thế tôi cảm thấy nhẹ lòng và tiếp tục chờ. Ông bà ta có câu “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nếu mọi người biết cách ứng xử và lời nói dễ nghe thì mọi sự phiền hà cũng giảm đi rất nhiều và đó có thể xem là cách hành xử có văn hóa.

VÕ THỊ CẨM NHUNG (8/11 Trịnh Đình Thảo,
phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM)

Các lĩnh vực khác cần noi theo

Tôi rất thích bài viết “Biết xin lỗi dân vì sự làm phiền”. Trước kia, thỉnh thoảng một số cán bộ công quyền gần như có tâm lý mình là “quan phụ mẫu” của dân nên có những hành động quá mức như quát tháo, la mắng người dân, dân đến làm việc mà cứ nghĩ là dân đi xin xỏ cái này cái kia...

Thay đổi hình ảnh cơ quan công quyền ảnh 1
 
Người dân sẽ thông cảm hơn với chính quyền khi nhìn thấy những lời chia sẻ trên những công trình nội đô. Ảnh: HTD

Thời gian gần đây, tôi thấy trong chuyện này có những tiến triển tích cực. Nào là công an thì phải học cười để giao tiếp với dân, các cơ quan hành chính thì có phong trào nét đẹp công sở, phải có thái độ phục vụ dân ân cần, niềm nở… Vừa rồi thì đến chuyện thi công công trình có gắn biển xin lỗi dân. Hay như mới đây nhất, ông Phan Văn Thế - Chủ tịch UBND TP Kon Tum cùng đại diện các ban ngành của TP Kon Tum đã có buổi làm việc để công khai xin lỗi ông Trương Minh Hòa (ở phường Quyết Thắng, TP Kon Tum) vì có sai sót trong bồi thường đất đai... Hy vọng rằng những cách hành xử có lý, có tình như vậy được thực hiện nhiều hơn ở tất cả lĩnh vực. Các cơ quan công sở cần siết văn hóa giao tiếp theo hướng tích cực, có những băng rôn, bảng lệnh, khẩu hiệu thể hiện cách hành xử văn minh, lịch sự với người dân… để mỗi lần nhìn vào đó là cán bộ tự răn mình. Nói gì thì nói, tôi vẫn thấy còn không ít hành động không hay từ phía cán bộ chức năng như ăn cắp thời gian làm việc, làm việc uể oải, chơi game, người dân đến thì lạnh nhạt. Cần phải quyết liệt thay đổi để người dân không còn bức xúc…

VÕ NGUYỄN (292 Lê Hồng Phong TP.HCM)

Đừng để xin lỗi rồi bỏ đó

Tôi nghĩ làm ở bất kỳ ngành nghề nào cũng không tránh được những sai sót, những chuyện làm phiền đến người khác, đặc biệt các cơ quan nhà nước phục vụ người dân. Việc treo những bảng xin lỗi dân nếu có những sai sót xảy ra giống như ở một số công trình đang xây dựng là một điều cần thiết. Những lời xin lỗi kia là giúp cho các cơ quan nhớ là mình đang làm phiền người khác và làm thế nào giảm sự làm phiền đến mức thấp nhất chứ không phải gắn để xem chơi. Lời xin lỗi cũng phải gắn liền với những hành động thiết thực như phải ý thức hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đối với cuộc sống của người dân, đẩy nhanh tiến độ làm việc hoàn thành công trình đúng tiến độ… chứ không phải nói xin lỗi cho có hình thức.

HIỀN THI (Long An)

Phải hành xử thân thiện, chu đáo

Báo chí phản ánh không ít trường hợp mà người dân, doanh nghiệp khi đến cơ quan hành chính công của Nhà nước liên hệ công việc bị hành lên hành xuống đủ điều, bị vòi vĩnh và cán bộ biểu hiện thái độ quan liêu, hách dịch. Cá biệt, có trường hợp báo chí đã phản ánh một người dân sinh sống ở Hà Nội phải đi liên tục đến năm cơ quan thuế mới làm xong thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân khi báo chí vào cuộc phản ánh.

Thiết nghĩ cần phải cải cách hơn nữa nhằm mục đích phục vụ tốt hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn cho người dân. Cán bộ ngoài việc nâng cao trình độ nghiệp vụ thì cũng phải nâng cao đạo đức công vụ và nó phải được đo bằng chính sự hài lòng của mỗi doanh nghiệp, người dân khi đến liên hệ công việc. Họ phải xem người dân, doanh nghiệp là chủ thể chính trong mục đích phục vụ lợi ích công để có cách hành xử thân thiện, chu đáo hơn.

NGUYỄN ĐƯỚC (136/1 Trần Phú, quận 5, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm