Teen Việt tập tành “chơi” ma túy ảo

Teen rủ nhau đi... nghe ma túy

“Có loại ma túy mới, có ai muốn thử không?”  - chủ đề được post trên diễn đàn của một trường THPT nhanh chóng thu hút hàng chục comment và hàng trăm lượt xem.

Loại ma túy mới toanh và hoàn toàn miễn phí ấy có tên I-dosing. Đây là một loại nhạc khiến người nghe có cảm giác “lên mây” như khi sử dụng chất kích thích, đang thu hút đông đảo cộng đồng teen nhiều nước trên thế giới.

Biểu hiện thường thấy của người đạt trạng thái hưng phấn khi nghe I-dosing là thở hổn hển, mắt nhắm nghiền, mặt cau có… giống như đang “phê” ma túy.
 
Lời đồn đại về Idosing nhanh chóng tạo nên một trào lưu, một cơn sốt hiếu kì trong giới trẻ Việt. Những comment sôi nổi nhiệt tình đã khiến Idosing lan nhanh như một cơn gió lạ. Nhiều teen còn mày mò lên mạng tìm tòi các đoạn nhạc “ma quái” chính gốc để tìm kiếm trọn vẹn những cảm giác lạ mà I-dosing mang lại.

“Tí thử xem sáng mai đi học có gì khác không” - thành viên có nickname T...- trên diễn đàn một trường THPT tại Hà Nội “ngây thơ” bình luận.

“Một cảm giác ban đầu... giật mình. Tiếp theo sau đó là sự luân chuyển qua lại với những tốc độ kết hợp âm thanh là ta cảm nhận ta đang trên 1 cuộc đua mà ở đó toàn tràn ngập màu đỏ, ánh vàng của lửa, thể hiện sự táo bạo, nguy hiểm. Nhưng cái cảm giác bao trùm là như con đường ấy đang dẫn ta tới 1 nơi rất bí hiểm, khó lường... Sau đó, tôi như rơi từ trên cao xuống vực sâu, giữa những đám lửa cháy bừng, như đang giận dữ... Có thể nói đó là "hỏa ngục"...” - Thu Trang, một công dân mạng chia sẻ cảm nhận của mình khi nghe I-dosing.

Không riêng gì Trang mà rất nhiều teen Việt đã cuồng lên tìm kiếm, háo hức thử ngay loại ma túy đặc biệt này.

Nhiều người giải thích, trạng thái “phê” do I-dosing mang lại là nhờ việc sử dụng những đoạn chênh lệch về tần số âm thanh, lúc cao lúc thấp gây nên sự hụt hẫng một cách đột ngột tạo ra cho bộ não những ảo giác bất bình thường – khá giống với shisha và "đập đá".

Tú - 17 tuổi ở Hà Nội kể lại: “Hồi nãy nghe xong nằm ngủ, dạng như thân xác đã ngủ còn cái tiềm thức của mình vẫn còn nghe được tiếng nhạc, cứ lềnh bềnh lềnh bềnh, cảm giác vừa sợ, vừa phê , ảo lắm”.

“Nghe xong người không bình thường tí nào luôn. Em phê phê cả ngày hôm nay”, thành viên L.- diễn đàn THPT Chu Văn An bộc bạch.

Thành viên Mega... thì vui vẻ khen: “Hay quá , mới test xong , âm trầm âm bổng rất hay, có phần còn phê hơn "đập đá". Nói thật, thiếu điều muốn ôm cái loa ngủ luôn , muốn vặn càng lúc càng hết cỡ”.

Nhiều người bày tỏ, sau khi thử Idosing thì cũng có cảm giác là ban đầu nhức đầu, nôn nao, buồn nôn. Phải nghe lại một vài lần thì mới bắt đầu thấy thấm, nghe rồi lại muốn nghe lại lần nữa và khi đắm chìm vào những âm thanh đó rồi thì thế giới bên ngoài gần như đã được tách biệt ra khỏi cơ thể hoàn toàn, lúc này ảo giác bắt đầu xuất hiện.

Ngoài việc bày tỏ những cảm nhận khi nghe I-dosing, các thành viên trên một số diễn đàn còn nhiệt tình truyền “kinh nghiệm” cho bạn bè để thử I-dosing. Thành viên Kiss..., diễn đàn Laocaionline.net khẳng định: “Thể loại này nghe công nhận là gớm mặt. Nếu có thử nghe thì nên nghe bằng loa ngoài trước đừng dùng tai nghe ngay, không đột quỵ ra đấy thì đừng bảo ta không cảnh báo!”.

Tuy nhiên, cũng không ít người hoàn toàn phủ nhận tính gây nghiện và khả năng mang lại khoái cảm, hưng phấn hay sự kích thích cao độ của I-dosing.

"Cái này chẳng qua là hiệu ứng âm thanh thôi. Nó chỉ làm cho đầu óc thêm căng thẳng... " - bạn trẻ có biệt danh Lekimanho khẳng định.

Có bạn trẻ còn tỏ rõ thái độ bức xúc rõ rệt đối với trào lưu này: “Âm thanh nghe chói tai, đoạn đầu chỉ như cắt từ phim kinh dị rồi nháo nhào lên với nhau. Mình đã nghe đi nghe lại nhiều lần, không biết có phải trình độ thưởng thức âm nhạc của mình kém hay sao nhưng mà mình có thể khẳng định với mọi người rằng cho dù có nghe 100 hay 1000 lần đi nữa thì mình không thể nghiện cái loại âm thanh dở hơi được cho là "ma túy kỹ thuật số" này!”.

Chuốc phiền vì trào lưu “ảo”

Khi những thông tin về I-dosing lan mạnh trên các trang mạng thì nhiều bạn trẻ cũng nhanh chóng bị cuốn theo trào lao thử “ma túy ảo” này.

“Nghe chúng nó bàn tán nhiều em cũng tò mò thử. Chỉ thử một chút thôi, em không nghe hết cả bài được. Cảm giác đầu như xem phim kinh dị, nhưng càng nghe càng thấy nôn nao và kết quả là bị… ói chỉ sau vài phút. Nếu có vài bản chất lượng thì chắc sẽ gây nghiện thật”, một teen trường THPT Việt Đức giấu tên cho hay.

Và lỡ chạy theo trào lưu ảo như I-dosing, nhiều người đã tự chuốc về mình những phiền phức khó chịu.

“Không phê tý nào. Đầu ong ong, ảo ảnh không thấy đâu chỉ thấy mấy đốm sáng như kiểu bị hoa mắt. Cảnh báo nếu ăn đêm nhiều rất có cảm giác chóng mặt buồn nôn” - Phạm Hồng Sơn, trường Việt Đức kết luận. Cảm giác đó đi theo cậu học trò lớp 12 này rất lâu và vẫn còn ám ảnh khiến Sơn không dám thử lại lần hai, dù bị không ít thành viên “chọc ngoáy”.

Nhiều bạn trẻ khác, sau khi tò mò trải nghiệm I-dosing đã phải hối hận vì thấy mình… dại. “Nghe nhức đầu, nhức tai kinh khủng. Nghe xong mình chẳng làm ăn được gì…” - thành viên Phathien, diễn đàn cadovn... cho biết.

I-dosing đặc biệt có sức hút với các bạn trẻ, nhất là ở lứa tuổi teen ham tò mò và cả ham… chơi trội. Nhưng cũng chính teen là lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng nguy hại nhất.

“Nghe xong hai ngày nay em bị ù tai rồi” - Nguyễn Văn Hiếu, trường Việt Đức thật thà tâm sự sau khi “đeo headphone, trùm chăn, tắt điện” để thử chơi loại ma túy ảo mà bạn bè hết lời bàn tán mấy ngày nay.

Chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra những tác động gây kích thích đến mức “phê” như ma túy của thể loại nhạc này. Tuy nhiên, với sự tò mò và ham muốn “trải nghiệm” những thứ lạ đời, nhiều teen đã nhanh chóng lao vào tìm kiếm, săn lùng các thông tin liên quan đến Idosing. Một số người còn dày công đi tải bản gốc của bản nhạc trong video clip đăng tải trên Youtube.

“Mình thấy nó thực sự vô bổ. Có lẽ với người yếu tim thì loại nhạc này không phù hợp và gây ra những tác dụng xấu. Bạn bè mình chưa thấy bất cứ ai có nhận xét là nhạc gây phê, gây hưng phấn như dân mạng đồn đại” - Tuấn, THPT Việt Đức chia sẻ.

Tuấn bày tỏ suy nghĩ rất chín chắn của mình: “Mình nghĩ đây chỉ là trào lưu nhất thời, nhiều người muốn thể hiện mình, muốn chơi trội hoặc tỏ ra sành sỏi...”.

Theo Quỳnh Anh  (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm