Tăng ni, Phật tử TP.HCM chia sẻ cùng tuyến đầu chống dịch

Ngày 28-7, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), TP.HCM thông tin: Chủ trương của GHPGVN TP.HCM đã được Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, đề cập trong nhiều thông báo, hướng dẫn và tâm thư gửi tăng ni, Phật tử.

Theo đó, hòa thượng khuyến khích tăng ni, Phật tử ủng hộ các chương trình phòng chống dịch của Chính phủ và chính quyền TP.HCM, đồng thời tích cực dấn thân làm các việc thiết thực trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất.

Tăng ni, Phật tử nấu cơm tại chùa Tường Nguyên (quận 4). Ảnh: NGỌC LÀI

Việt Nam Quốc Tự, một trong hai ngôi chùa được Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM đề nghị sử dụng làm BV dã chiến cho các tăng ni. Ảnh: NGỌC LÀI

Chăm lo hàng chục ngàn suất ăn

Từ khi TP thực hiện giãn cách xã hội, Ban Từ thiện xã hội thuộc GHPGVN TP đã chủ trương góp phần chăm lo hàng chục ngàn suất ăn miễn phí mỗi ngày.

Các bếp ăn có hoạt động nổi bật có thể kể đến như chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) đảm trách 10.000 suất ăn, bếp chùa Tường Nguyên (quận 4, quận 7) thực hiện hơn 20.000 suất ăn… Hàng chục ngàn suất ăn này được đưa đến phục vụ miễn phí cho đội ngũ y tế ở các bệnh viện (BV) điều trị COVID-19, các BV dã chiến và các trung tâm cách ly F0, F1, người khó khăn ở các khu phong tỏa, cách ly…

Trong số các bếp ăn vừa nêu, bếp chùa Tường Nguyên của Hội từ thiện Tường Nguyên, trực thuộc Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP, có sự tham gia của hơn 200 tăng ni, Phật tử, mỗi ngày cung cấp hơn 20.000 suất ăn miễn phí.

Đại đức Thích Minh Phú, Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP, Chủ tịch Hội từ thiện Tường Nguyên, cho biết bếp ăn Tường Nguyên hoạt động 24/24 giờ. Các tăng ni, Phật tử không quản mệt nhọc, làm ngày đêm để gửi hàng chục ngàn phần cơm miễn phí đến các bệnh nhân, bác sĩ, người gặp khó khăn do dịch.

Cũng theo Đại đức Thích Minh Phú, nhiều Phật tử có gia đình và nhiều việc phải lo nhưng cũng tạm gác lại, chấp nhận cách ly để làm việc tại bếp ăn nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

“Công việc khá vất vả nhưng tất cả mọi người đều vui và thoải mái vì đã đóng góp chút công sức của mình cho cuộc chiến chống dịch. Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã trải qua hơn 50 ngày căng mình nấu hàng ngàn suất cơm cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người khó khăn” - Đại đức Thích Minh Phú cho biết.

Chị Nguyễn Thị Thu Tâm, bếp trưởng bếp cơm mặn của Hội từ thiện Tường Nguyên, chia sẻ: “Mỗi ngày tôi phụ trách hơn 3.000 suất ăn mặn cho các bác sĩ, bệnh nhân. Bếp nổi lửa 24/24, tôi làm đến khi nào không còn ráng nổi thì thay ca. Nhiều lúc mệt lắm nhưng tự nhủ không được để bác sĩ, bệnh nhân, người nghèo chờ đợi”.

“Các thầy, tăng ni ở đây đều cố gắng trong công việc của mình, mình làm Phật tử phải noi theo. Cùng làm việc ở bếp, những lúc Phật tử mệt mỏi, các thầy đều trò chuyện động viên. Những nụ cười bật ra, mệt mỏi cũng tan biến” - chị Tâm chia sẻ.

612 tăng ni, Phật tử tình nguyện tham gia tuyến đầu

Thượng tọa Thích Tâm Hải cho biết không chỉ duy trì những bếp cơm thiện nguyện đỏ lửa, GHPGVN TP còn phát động và khuyến khích tăng ni, Phật tử đóng góp vào quỹ mua vaccine phòng COVID-19. GHPGVN TP đã ủng hộ 1,5 tỉ đồng qua MTTQ Việt Nam TP, chưa kể đến nhiều tổ chức, hội, nhóm, cá nhân tăng ni đóng góp theo địa phương và nơi sinh hoạt của mình.

Vừa qua, GHPGVN TP đã trao tặng máy ECMO và máy thở cho BV Nguyễn Tri Phương phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng; tặng các y bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, BV dã chiến Củ Chi, BV điều trị COVID-19 Cần Giờ, BV Nguyễn Trãi mỗi nơi 200 triệu đồng với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng.

“Hưởng ứng lời kêu gọi của TP chung tay phòng chống dịch, GHPGVN TP cũng đã kêu gọi và chỉ trong vài ngày có 612 tăng ni, Phật tử tình nguyện phục vụ ở các BV dã chiến. Vừa qua, qua tập huấn, 80 tăng ni và Phật tử đã được chọn để phục vụ theo sự phân công của Sở Y tế TP” - Thượng tọa Thích Tâm Hải nói.

Cũng theo Thượng tọa Thích Tâm Hải, nhằm góp phần giảm thiểu áp lực ở các BV dã chiến, các trung tâm thu dung đối với trường hợp F0, GHPGVN TP đã chủ động trao đổi, có văn bản đề nghị sử dụng hai ngôi chùa: Việt Nam Quốc Tự ở quận 10 và Phổ Quang ở quận Tân Bình làm BV dã chiến cho các tăng ni nếu không may nhiễm SARS-CoV-2. Giáo hội cũng sẽ đảm trách phần chi phí cho việc vận hành, mua sắm trang thiết bị phù hợp và hậu cần.

“Tăng ni, Phật tử cũng là công dân, không có một ngoại lệ nào, nếu không nói là cần phải làm gương mẫu. Cho nên tất cả cùng chung một mục đích ưu tiên lúc này là tuân thủ các chỉ thị của Chính phủ và TP trong vấn đề phòng chống dịch COVID-19. Và khi dấn thân làm việc, điều quan trọng nhất phải làm sao mang lại hạnh phúc, an vui; giảm bớt nỗi khổ, niềm đau cho người khác” - Thượng tọa Thích Tâm Hải chia sẻ.•

 

Tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với tôn giáo

Bên cạnh những đóng góp về mặt vật chất, nhiều chương trình khác phù hợp với đời sống tinh thần, tâm linh truyền thống của cộng đồng người dân có tín ngưỡng đạo Phật cũng được khuyến khích.

Cụ thể như yêu cầu các chùa dừng tất cả hoạt động lễ nghi tập trung đông người, tăng ni tạm đóng cửa chùa cấm túc an cư, tổ chức các hoạt động nghi lễ, thuyết pháp trực tuyến để tín đồ được an lòng…

Thượng tọa THÍCH TÂM HẢI, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm