Tắm tiền, đốt trường... nhiều trò điên câu like

Một cô ả mới tự quay clip đổ ngồn ngộn tiền giấy mệnh giá 100.000, 200.000 và 500.000 đồng vào bồn để tắm cùng với những tờ tiền vây quanh mình… Và nhiều chuyện điên khác đang ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội.

Chiêu sau kệch cỡm hơn chiêu trước

Ít ai nghĩ rằng chuyện khoe của, hám tiền là hậu quả của một cú sốc tâm lý, khi người ta trong một thời gian ngắn bỗng bước qua được ranh giới giữa việc thiếu tiền và có rất nhiều tiền. Cơn khát tiền bỗng nhiên được thỏa, được đổ đầy và kẻ có tiền quá choáng ngợp, bèn quyết định… khoe.

Có thể khoe bằng nhiều cách. Nhiều người khoe xe sang, nhà đẹp, quần áo hàng hiệu… Nhưng có lẽ cái cảm giác được cầm tiền trên tay, tiếp xúc trực tiếp với từng tờ bạc mệnh giá lớn và khoe “nóng” - khoe ngay khi tiền chưa chuyển thành nhà, thành xe, thành tài sản… là một cảm giác khó cưỡng. Vì vậy, mới có đoạn clip trên, cô nàng khoe việc tắm tiền cho đẹp da có lẽ ý rằng làm như vậy là mình đã có sáng tạo hơn các clip trước đó!

Chuyện cũng chả đáng phải nói nếu không vì xuất hiện cùng với nhiều những chuyện khác, vô nghĩa nhưng nguy hại đến cộng đồng. Một học sinh đăng tuyên bố đốt trường để câu like trên mạng xã hội đã châm lửa đốt trường thật… Dư luận xã hội đã qua cái thời bật cười và phẩy tay bỏ qua những trò chơi ngông của giới trẻ. Bây giờ người ta cau mày khó chịu với những chuyện kệch cỡm tương tự như trên. Những chuyện vô nghĩa từ thế giới ảo đã len lỏi xâm phạm đời sống thật. Khi là ảo, ai cũng nghĩ nó chỉ là chuyện liên quan đến riêng cá nhân. Nhưng trước và sau cái ảo ấy là một sự thật đau lòng: Sự hạ thấp nhân phẩm, sự sa sút về nhận thức. Sự băng hoại về đạo đức phẩm giá trong một bộ phận người trẻ đã đến mức đáng báo động rồi! 

Chỉ là trò ngốc

Đăng clip tắm tiền gây ra cái ảo tưởng có nhiều tiền dễ quá, khoe tiền ấn tượng quá cũng sẽ kích động lòng tham vô lối trong nhiều người trẻ, dẫn đến chỗ sẵn sàng làm điều xấu, điều ác bằng mọi cách, mọi giá để kiếm tiền.

Những ai thật sự giàu, theo nghĩa đen, thật sự có rất nhiều tiền, nhất là tiền làm ra bằng chính sức lao động chân chính thì không hành xử kiểu đem tiền ra tắm. Những ai có chút ít nhận thức sơ đẳng đều biết tiền không vệ sinh vì qua tay nhiều người dùng. Những ai có mắt để đọc, có tai để nghe đều biết giới tội phạm khi thu cả núi tiền đều coi việc “rửa tiền” là sống còn. Tiền phi pháp, “tiền đen” nên người ta cần “rửa tiền” cho sạch. Soi cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng thì việc tạo scandal câu like của cô ả chứng tỏ một sự ngốc nghếch sơ đẳng. Không ai đem tiền ra bảo là tắm cho đẹp da! Chìm trong cái bể tiền ấy kể ra cũng dễ hiểu khi người ta không còn biết phân biệt bẩn sạch, đúng sai ở đời.

Luật pháp chưa có hình phạt đối với hành vi trên, chỉ xử lý hành vi hủy hoại tiền tệ nhưng dư luận xã hội đã lên án, đã tỏ thái độ khinh bỉ. Đồng tiền có sức mạnh sai khiến, tha hóa con người, nếu không được dạy dỗ, không học cách cư xử với tiền, con người ta cũng bị tiền dìm xuống bùn đen. Trước hiện tượng vì sao đã bị dư luận ném đá mà những kiểu câu like vô tội vạ như vậy vẫn tiếp tục diễn ra cần một hồi chuông báo động: Sự lệch lạc nhân cách trong một bộ phận giới trẻ đang biến hóa thành một hiện tượng xã hội đáng lo ngại. Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh, đồng bộ và hiệu quả để quyết liệt ngăn chặn cơn dịch này.

ThS-BS tâm lý PHÍ THANH NHÀN, khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM:

Tâm lý “phải làm vậy mới có bản lĩnh”

Những trào lưu giới trẻ hiện nay bùng cháy phần lớn là hậu quả tích tụ từ việc sống ảo của giới trẻ. Việc kiếm tiền từ Facebook thôi thúc rất nhiều bạn trẻ muốn được chứng tỏ mình. Việc chạy theo trào lưu của giới trẻ một phần là muốn nổi tiếng, chứng tỏ bản lĩnh; phần còn lại là hiệu ứng tâm lý đám đông, a dua. Người trong cuộc mang tâm lý ban đầu rằng đây chỉ là trò đùa vui, trò câu like vui nhưng sau khi nhận được sức ép đám đông, tâm lý dần chuyển sang suy nghĩ rằng nếu mình làm được việc đó thì mình mới là người có bản lĩnh. Khi tâm lý này lên đến đỉnh điểm, người trẻ sẽ quên mất đâu là ý thức đúng đắn, đâu là hành động có suy nghĩ. Họ chỉ nghĩ mình sắp được nổi tiếng, là kẻ có bản lĩnh rồi. Khi rơi vào trạng thái tâm lý quá khích, họ dễ nhận lấy hậu họa trước mắt, thậm chí có thể tử vong. Còn nếu vượt qua được hậu quả đã gây ra, họ dễ sa vào tâm lý lo lắng, sợ hãi, mất kiểm soát về sau. Tâm lý bất ổn lâu ngày dễ dẫn đến hành động không kiểm soát, sinh loạn thần, bất ổn.

BS NGUYỄN ĐỨC TÙNG, BV Tâm thần:

Dễ bị tự kỷ hoặc trầm cảm

Những người vừa vượt qua cú sốc tâm lý, những người trẻ sống nhờ like, comment… (nói chung là sống ảo trên mạng xã hội) khi đang trong trạng thái “hạnh phúc vì được tôn sùng” mà rơi vào trường hợp bị cộng đồng mạng tẩy chay, bị “thất sủng” thì dễ rơi vào trạng thái tâm lý tự kỷ. Hoặc những bạn vừa trải qua cảm giác thất bại sau khi cố làm người có bản lĩnh như cô bé đốt trường tại Khánh Hòa sẽ là những đối tượng rất dễ mắc chứng trầm cảm, xa lánh xã hội. Họ sợ hãi, lo lắng vì cho rằng mình bị cách ly, kỳ thị…, rồi xuất hiện các dấu hiệu trầm cảm, tiếp đến là ý tưởng chán sống, bỏ nhà đi lang thang, rối loạn bản năng ăn uống... Tiến triển thêm từ từ là những triệu chứng âm tính phá vỡ nhân cách. Kinh khủng nhất là khi mắc phải những triệu chứng này, người bệnh sẽ mỗi lúc một nặng và khó phục hồi, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như đời sống. Do đó người trẻ hãy hành động thật có ý nghĩa và đừng hùa theo đám đông một cách thiếu ý thức, tránh nhận kết cục nặng nề rồi hối không kịp.

 HÀ PHƯỢNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm