Tâm sự thắt lòng của thầy Hải: "Tôi chưa muốn chết!"

Trong xóm nhỏ ở khu phố Mỹ Thạch Trung, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, Quảng Nam, người cha đang nằm liệt giường khi chúng tôi đến thăm. Đứa con trai nhỏ đang đưa thuốc cho người cha uống một cách khó nhọc.

Nỗi khổ khi mang bệnh nhà giàu

Người cha là Lưu Thanh Hải, đang là chuyên viên Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, trước kia ông là giáo viên dạy môn thể dục. Căn bệnh quái ác khiến ông phải tạm dừng công việc để điều trị. Năm 2010, đứa con trai đầu đang học năm tư một trường ĐH không may mất trong một vụ tai nạn. Từ khi con trai mất đi, ông rơi vào bế tắc vì buồn tủi, nhớ con.

Tai họa liên tiếp ập đến, trong lần khám khớp gối, ông được phía bệnh viện cho biết bị giãn cơ tim và phải điều trị gấp. Nỗi đau mất con chưa nguôi, lại bị căn bệnh nặng khiến ông thêm kiệt quệ sau nhiều lần chạy chữa từ Quảng Nam ra Huế.

Năm 2014, bệnh trở nặng và bác sĩ ở Huế thông báo ông phải đặt máy trợ tim nếu muốn kéo dài sự sống. Trăm dâu như đổ đầu tằm, một mình vợ ông là bà Nguyễn Thị Trang phải vay mượn khắp nơi để cứu chồng.

“Lúc ấy, những người ở cơ quan thương gia đình tôi quá khổ vì bệnh tật nên hỗ trợ rất nhiều. Ngoài ra, phía công đoàn cũng vận động mọi người giúp tiền để tôi chữa bệnh. Vợ tôi phải một mình đứng ra vay mượn anh em, bạn bè hơn trăm triệu đồng mới có đủ để đặt máy trợ tim cho tôi. Ấy vậy mà giờ bác sĩ bệnh viện nói là máy đó không phù hợp nữa, cần phải thay cái mới với giá lên đến 230 triệu đồng lận…” - ông Hải nói như khóc.

Đã mấy năm nay ông chỉ biết nằm một chỗ. Vợ ông Hải là nhân viên thư viện của một trường cấp 3 trên địa bàn TP với đồng lương ít ỏi hơn 2 triệu đồng/tháng.

Máy trợ tim trong ngực ông Hải không còn phù hợp và cần thay thế với số tiền lên đến 230 triệu đồng. Ảnh: HT

“Ba đừng chết!”

Hai đứa con ông, đứa con trai lớn nay học lớp 6 và con gái nhỏ học lớp 2, đều rất chăm ngoan.

Khi được hỏi về tình trạng bệnh của cha, đứa con trai ông Hải chỉ biết cúi mặt: “Ba cứ nằm miết trên giường vậy đó. Mỗi lần cái máy trong lồng ngực rung lên là ba em ôm cây cột hoặc một vật gì đó đứng run bần bật, em xót lắm. Sắp tới phải thay máy thở mà biết lấy tiền mô thay, em không muốn ba chết”.

Mức thu nhập hiện tại của cả hai vợ chồng ông chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng ông phải đi điều trị một lần tốn kém gần cả chục triệu đồng, rồi còn tiền lo đi bệnh viện tiêm thuốc mỗi lần khó thở, lo chi phí ăn học cho hai con…

Trước đây vợ chồng ông Hải còn nuôi mẹ già hơn 90 tuổi bị gãy xương đùi nằm một chỗ. Từ khi ông trở bệnh nặng thì đành gửi bà về quê cho cháu chăm sóc. Mỗi tháng ông cố nhín gửi một ít tiền về để chữa bệnh cho mẹ.

Đưa ngụm thuốc lên miệng uống, ông Hải nói: “Mới lần trước vay mượn hơn trăm triệu đồng đặt máy kích tim mà chưa trả được đồng nào, giờ không dám vay tiếp của ai. Bác sĩ nói đầu tuần sau phải ra đó để lắp máy mới rồi, mà máy mới đến 230 triệu đồng thì chạy đâu cho ra được đây. Tôi chỉ thương mấy đứa con còn quá nhỏ dại nên chưa muốn chết nhưng giờ muốn sống cũng khó quá, chỉ khổ thêm cho vợ con…”.

Thằng nhỏ nghe cha nói vậy, la lên hốt hoảng: “Ba đừng chết. Ba chết tụi con biết sống làm sao!”. Tiếng trẻ thơ nghe mà nhói lòng...

Bạn đọc giúp đỡ thầy giáo Lưu Thanh Hải xin gửi về báo Pháp Luật TP.HCM, số tài khoản: 1607201005173, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Phan Đình Phùng (khi chuyển khoản vui lòng ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp thầy giáo Lưu Thanh Hải”).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.