Tài xế gây chuyện, Uber có phải chịu trách nhiệm?

Thời gian qua xảy ra một số vụ việc tài xế Uber bị bắt vì hành vi hiếp dâm, cướp tài sản và đánh hành khách. Mới đây nhất là vụ nữ hành khách tên H. bị tài xế Uber cưỡng bức xảy ra hôm 10-12 tại quận Bình Tân (TP.HCM). Tuy nhiên, khi được hỏi về trách nhiệm của mình, đại diện Uber chỉ gửi đi một thông điệp ngắn gọn là “đã khóa tài khoản của đối tác” khiến dư luận bức xúc.

Taxi truyền thống quy định rõ trách nhiệm

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho biết các hãng taxi truyền thống nói chung đều mua bảo hiểm trách nhiệm vật chất và dân sự của chủ xe đối với hàng hóa trên xe. Khi có sự việc xảy ra liên quan đến khách hàng, công ty taxi phải đứng ra giải quyết. Sau đó sẽ làm việc với tài xế để xử lý nội bộ (nếu có).

“Tài xế vi phạm hình sự phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nhưng công ty cũng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết” - ông Hỷ nói. Trong khi đó, với loại hình Uber, Grab, công ty lại không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với khách hàng. Vấn đề này, Hiệp hội Taxi đã nhiều lần kiến nghị lên Chính phủ.

Về quy trình tuyển dụng tài xế, ông Hỷ cho biết các hãng taxi truyền thống làm khá chặt chẽ. Ứng viên phải nộp hồ sơ bao gồm lý lịch tư pháp để công ty nắm rõ nhân thân, trải qua đào tạo mới được công ty ký hợp đồng lao động.

Trong khi đó, Uber, Grab được Bộ GTVT chấp thuận cho thí điểm thay hợp đồng giấy bằng ứng dụng hợp đồng điện tử. “Thực tế họ hoạt động như một doanh nghiệp vận tải, cũng quản lý hồ sơ của tài xế, tổ chức đào tạo nhưng lại không ký hợp đồng lao động, khi có chuyện lại coi như không biết” - ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, bức xúc.

Chúng tôi đã liên lạc với đại diện Uber về những bất cập trên nhưng không nhận được câu trả lời.

Taxi truyền thống quy định rõ trách nhiệm của tài xế cùng công ty với hành khách. Ảnh: HTD

Uber, Grab chưa bị ràng buộc

Ông Bình phân tích thêm, loại hình Uber, Grab có ba chủ thể: Công ty đa quốc gia tại nước ngoài cùng đại diện tại Việt Nam, các hợp tác xã và cuối cùng là tài xế. Cả ba gắn kết với nhau trong quá trình vận hành nên có thể khẳng định đều phải có trách nhiệm với mọi hoạt động của đơn vị. Trong đó, đại diện Uber, Grab phải chịu trách nhiệm chính.

“Họ là đơn vị cung cấp dịch vụ, là chủ thể xuyên suốt, nếu không có họ thì không có phần mềm này. Bên cạnh đó, họ đang hưởng lợi nhuận 20% từ tài xế nên không thể phủi trách nhiệm. Một số vụ việc như đánh hành khách, cướp tài sản, hiếp dâm nếu chỉ giải quyết bằng cách trả lời “đã khóa tài khoản của đối tác” là chưa hết trách nhiệm” - ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Bình, khi Uber, Grab vào Việt Nam, cơ quan nhà nước nên có những điều kiện ràng buộc, đơn cử như loại hình này phải cam kết đảm bảo trách nhiệm cho khách hàng về mặt tài sản, con người, danh dự… thì mới cho thí điểm. “Nếu Bộ GTVT không nhìn thẳng vào vấn đề này thì rất khó giải quyết được các tồn tại đang có” - ông nói.

Đồng tình, một chuyên gia giao thông cũng khẳng định mấu chốt là phải xác định Uber, Grab là loại hình gì để xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cũng như sự phát triển hài hòa của các loại hình dịch vụ.

Muốn giữ uy tín, Uber phải có trách nhiệm

Trong trường hợp khách hàng bị tài xế hiếp dâm, theo quy định của pháp luật thì Uber không phải chịu trách nhiệm bởi tài xế thực hiện việc phạm tội không liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, tài xế không phải là người lao động mà chỉ là người hợp tác và chia phần trăm.

Tuy nhiên, Uber phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài xế và phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án.

Qua vụ việc này, Uber cũng phần nào bị ảnh hưởng uy tín thương hiệu. Vì thế, theo tôi Uber nên có trách nhiệm với người sử dụng dịch vụ của mình bằng cách thể hiện sự quan tâm của mình đối với thiệt hại của nạn nhân.

Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂNĐoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

NGUYỄN HIỀN ghi

Uber không thể nói vô can

Trong vụ hành khách bị tài xế Uber cưỡng hiếp cần nhận thấy hành khách sử dụng công nghệ mạng (qua điện thoại thông minh) để dùng dịch vụ là vì tin tưởng, tín nhiệm Uber nên dù đã đêm khuya vẫn lựa chọn đi. Khách hàng đã chọn Uber chứ không hề biết tài xế cụ thể là ai.

Theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp này Uber không phải chịu trách nhiệm pháp lý về bồi thường thiệt hại khi tài xế phạm tội. Tuy nhiên, xét về đạo lý kinh doanh thì cần chia sẻ rủi ro, cũng là cách để lấy lại niềm tin của khách hàng, tôi cho rằng Uber không thể nói vô can. Vụ việc này Uber cần có lời xin lỗi chính thức tới nạn nhân.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM
Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.