Tài xế cho học sinh đánh đu trên cửa xe có bị phạt?

Theo đó, một tài khoản Facebook tên PT đăng tải nội dung: "Vụ việc vừa xảy ra chiều nay (20-8) trên QL1A huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Chiếc xe buýt chở học sinh quá tải, tài xế liều mình cho gần chục em đu cửa xe. Vụ việc làm nhiều người đi đường hoảng sợ nhắc nhở nhưng tài xế vẫn phớt lờ lao xe vun vút trên đường. Việc học sinh đu bám trên xe buýt rất nguy hiểm lỡ có chuyện gì lại khổ nhiều người".

Xe khách đông kịt người. ẢNH FACEBOOK

Khi đoạn clip này được chia sẻ, cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ vì thái độ lái xe coi thường sự an toàn cho hành khách của tài xế. Clip đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng với hàng triệu lượt xem và chia sẻ.

Theo clip ghi lại, xe buýt mang biển số 68B-009.97, hiện vẫn chưa rõ danh tính tài xế. Bạn Ngô Minh Phú bức xúc: "Lái xe như vậy nguy hiểm quá, mong cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm tài xế này để răn đe các bác tài khác".

Còn bạn Sáu Vũ thì nói: "Xe thì đông nghịt khách, chỉ cần xe lắc nhẹ là có người rớt xuống đường ngay, trong khi đường quốc lộ thì có quá nhiều xe đi lại... hiểm họa thật khôn lường".

Nhiều học sinh bám víu trên xe. ẢNH FACEBOOK

Bên cạnh đó, không ít người nghĩ rằng nếu cha mẹ các em thấy con mình trên chuyến xe như vậy chắc chắn không dám cho con đi lần thứ hai.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hành vi điều khiển xe của tài xế như trong clip là vi phạm pháp luật. Trường hợp lái xe gây thương tích hoặc chết người thì tài xế có thể bị xử lý hình sự.

Theo đó, tại Điều 260 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có nêu rõ: "Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác (làm chết người) thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm".

Để cấu thành tội phạm này, chủ thể bắt buộc có các hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Trong đó, người điều khiển phương tiện không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định an toàn giao thông đường bộ. Do đó, việc xác định hành vi vi phạm các quy định về điểu khiển phương tiện giao thông đường bộ không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự mà phải căn cứ vào các quy định tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Mặt khác, nếu hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 260.

Theo luật sư Hùng, trong trường hợp này tài xế đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm hình sự theo tội phạm quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, cần phải xác định hậu quả trực tiếp của hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ này đã gây hậu quả chưa thì mới xác định trách nhiệm hình sự. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm