Sóc Trăng: Chính quyền “lấn sân” tòa án (!)

Năm 2002, khi bị thu hồi hơn 260 m2 đất nằm trong phạm vi giải tỏa quốc lộ 1A, gia đình ông N. được Ban giải phóng mặt bằng huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) lập biên bản đền bù khoảng 26 triệu đồng. Tuy nhiên, ông N. đã không nhận được số tiền này vì bị bà S. tranh chấp.

Hai quyết định “giải quyết lần đầu”

Theo ông N., hơn 260 m2 đất bị tranh chấp vốn nằm trong phần đất thuộc quyền sử dụng của mẹ ông từ trước năm 1940. Năm 1945 mẹ ông cho chồng bà S. sử dụng đất để canh tác. Năm 1971, chồng bà S. được chế độ cũ cấp chứng thư người cày có ruộng.

Năm 1995, mẹ ông N. yêu cầu trả lại đất. Cơ quan chức năng buộc gia đình bà S. cắt trả lại cho mẹ ông N. 3.000 m2 đất mà trên đó có mồ mả của thân tộc ông N. Đến năm 1997, mẹ ông N. được cấp “giấy đỏ” cho phần diện tích được trả lại. Ông N. rất ngạc nhiên khi đã được cấp “giấy đỏ” mà lại bị bà S. tranh chấp đòi tiền đền bù.

Đầu năm 2006, để giải quyết khiếu nại của bà S., UBND huyện Mỹ Xuyên đã ra Quyết định số 14 bác yêu cầu của bà S. Theo UBND huyện, đất hai bên tranh chấp nằm trong phần diện tích mà gia đình bà S. đã bị buộc cắt trả từ năm 1995. Vì vậy, yêu cầu nhận tiền đền bù của bà S. là không đúng. Quyết định này được khẳng định là “quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu”.

Theo Điều 39 Luật Khiếu nại tố cáo năm 2004 (có hiệu lực vào thời điểm giải quyết tranh chấp), nếu không đồng ý với quyết định này, các bên phải khiếu nại lên cấp có thẩm quyền tiếp theo hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.

Ấy thế, vào tháng 4-2006, không hiểu sao chính chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên thời đó lại ra thêm một “quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu” nữa. “Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu” này công nhận “quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu” ở trên (Quyết định số 14) là đúng (!?).

Xử lý sai thẩm quyền

Bà S. tiếp tục khiếu nại lên UBND cấp tỉnh. Cuối tháng 7-2007, UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định hủy bỏ hai “quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu” nói trên. Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, hơn 260 m2 đất tranh chấp không nằm trong diện tích 3.000 m2 đất mà gia đình bà S. bị buộc phải cắt trả. Cho nên người được lãnh số tiền đền bù phải là bà S.

Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 136 Luật Đất đai, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định đây là quyết định cuối cùng, các bên có trách nhiệm thi hành.

Cho rằng gia đình mình có đầy đủ cơ sở chứng minh chủ quyền đối với phần đất bị giải tỏa, ông N. đã khiếu nại quyết định trên của chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, ông bị trả lại đơn với lý do quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND tỉnh là quyết định cuối cùng. Nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính tại TAND tỉnh Sóc Trăng, ông N. cũng bị từ chối thụ lý vì “sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án bằng thủ tục tố tụng hành chính”.

Theo Điều 136 Luật Đất đai năm 2003, tòa án có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp đất có “giấy đỏ” hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 luật này. Như vậy, việc tranh chấp quyền sử dụng đất đã có “giấy đỏ” và kéo theo là tiền đền bù đất giữa bà S. và ông N. phải thuộc về tòa án chứ không thể thuộc về UBND các cấp.

Đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng thu hồi, hủy bỏ các quyết định giải quyết tranh chấp đã ban ra để chuyển sang tòa án giải quyết theo đúng thẩm quyền.

THỤY CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm