Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM nói về triển lãm cơ thể người

Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đang diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM (4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1) từ ngày 21-6 đến 31-12, giá vé 200.000 đồng/người. Triển lãm được Sở VH-TT TP.HCM cấp phép tổ chức.

Người xem sẽ được hình dung và xem diễn giải về cấu tạo cơ thể con người thông qua các mẫu vật người thật. Các mẫu vật người thật được trưng bày đã được sự đồng ý của người hiến tặng và được xử lý bằng công nghệ bảo tồn xác người plastic hóa. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều về triển lãm này.

Khách tham quan tò mò với mô hình người thật tại triển lãm. Ảnh: HL

Thai nhi ở tháng thứ chín được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: HL

Ám ảnh quá!

Tham quan một vòng triển lãm, tôi thấy hơi sợ hãi khi chứng kiến sự góp mặt của những người đã chết, đặc biệt là nhìn những hài nhi được ướp trong bình thủy tinh hoặc nằm chỏng chơ trưng bày. Tôi đã có hai con trai, nhìn những hình ảnh này rất thương cảm. Tôi chỉ xem cho biết chứ không dám dắt con nhỏ vào xem vì sợ bé sẽ ám ảnh, tối về gặp ác mộng.

Tôi nghĩ triển lãm không nên dành cho người có thần kinh yếu, trẻ nhỏ và bà bầu vì sẽ ảnh hưởng tâm lý. Theo tôi, nếu triển lãm phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu của giới y khoa thì sẽ hiệu quả hơn là trưng bày rộng rãi đến công chúng.

Chị PHẠM THỊ KIM ÂN (Quận 7, TP.HCM)

Phục vụ trí tò mò hơn là cung cấp kiến thức

Vào xem triển lãm, tôi khá băn khoăn về nguồn gốc của những xác ướp này, nhất là những thi hài bé bỏng. Nếu nói những thi hài này là người Hàn Quốc hoặc Á Đông hiến tặng thì văn hóa người Á Đông càng hiếm có chuyện người thân chấp nhận cho mang những đứa con không có cơ hội chào đời ra triển lãm như vậy. Đặc biệt là thi thể người phụ nữ mang thai trong bụng đứa con năm tháng tuổi.

Theo tôi, triển lãm phục vụ tính tò mò hơn là cung cấp kiến thức về cơ thể người vì có rất nhiều kênh để tìm hiểu về các bộ phận bên trong cơ thể con người như xem sách, coi YouTube về giải phẫu.

Thiết nghĩ để phù hợp văn hóa phương Đông, một triển lãm mang tính giáo dục nên được thiết kế lồng những bài học nhân văn, giải mã quá trình con người đến với cuộc sống và trở về với cát bụi hơn là chỉ phô bày bộ phận cơ thể người.

Anh HUỲNH ĐẠO THANH VIỆT (Quận Thủ Đức, TP.HCM)

Ấn tượng và kinh ngạc!

Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một triển lãm cơ thể người bằng xương bằng thịt. Tôi thấy các hình mẫu người thật được sắp đặt với các tạo dáng thú vị như đạp xe, ném dĩa, đá bóng và các cơ quan trong cơ thể người được sắp đặt rất gần gũi nên không thấy ghê rợn. Hình ảnh sinh động trực quan về cơ thể người và các bộ phận cơ thể người cho tôi hình dung về cấu tạo bên trong cơ thể con người mà tôi chỉ mới xem qua sách hoặc trên mạng.

Trong triển lãm này, tôi ấn tượng và rất kinh ngạc với những mạch máu được xử lý bằng công nghệ plastic hóa dệt vào nhau chằng chịt phức tạp. Ngoài ra, tôi cũng khá ngạc nhiên với hình hài của những thai nhi từ lúc vài tuần tuổi đến khi được tám tháng tuổi, nó khiến tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của sự sống, cần được nâng niu giữ gìn.

Chị TRẦN THỊ HỒNG PHÚC (Quận Tân Bình, TP.HCM)

Nội dung triển lãm không sai phạm

Sở VH-TT TP.HCM cấp phép triển lãm này bởi nội dung triển lãm không sai phạm. Nội dung triển lãm ý nghĩa tốt, mang tính cảnh báo về con người, ở góc độ người xem không thấy ghê rợn. Triển lãm thể hiện sự phát triển và mang tính cảnh báo cần cho nhiều người biết; địa điểm Sở cấp phép triển lãm là Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM với đối tượng là các sinh viên trẻ để biết thêm loại hình này.

Ông VÕ TRỌNG NAM, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM

Ông VI KIẾN THÀNHCục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VH-TT&DL:

Không ổn!

Tôi không còn lưu hồ sơ đợt đầu năm 2018 công ty của Hàn Quốc xin cấp phép một triển lãm tương tự triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đang diễn ra tại TP.HCM. Tuy nhiên, trên bề mặt hình ảnh thì đây là những hình ảnh của triển lãm tôi từng từ chối cấp phép tại Hà Nội.

Khi xin cấp phép triển lãm, đơn vị tổ chức phải có những hình ảnh tác phẩm, chúng tôi căn cứ vào đó để đồng ý hay không việc tổ chức triển lãm. Với triển lãm này, cảm quan đầu tiên dưới góc độ hiệu ứng thị giác đã không ổn, nó mang lại cảm giác ghê rợn cho người xem. Bên cạnh đó, việc không rõ xuất xứ, bí mật liên quan đến xác sống và nội tạng cũng là vấn đề. Chúng tôi từ chối cấp phép vì sự ghê rợn nên không đòi hỏi thêm ban tổ chức cung cấp xuất xứ nguồn xác.

Một triển lãm như thế nếu diễn ra trong nội bộ một trường đào tạo chuyên ngành y khoa sẽ mang ý nghĩa dành cho nghiên cứu nhiều hơn. Còn đây lại là một triển lãm dành cho công chúng, có khách mời, có truyền thông, bán vé lại không giới hạn độ tuổi thì thật sự không ổn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm