Sở TT&TT nói về nạn tung tin giả

Theo thống kê của Bộ Công an thì đã có 170 trường hợp tung tin sai lệch về dịch Corona bị cơ quan công an triệu tập, xử lý.

Nhằm hiểu rõ hơn về tình hình xử lý đối với các vụ thông tin sai sự thật gần đây, PV Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM.

. Phóng viên: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về tình trạng này nhiều tài khoản, trang mạng xã hội (MXH) đưa những thông tin giả, sai sự thật về tình hình dịch Corona?

Ông Từ Lương

+ Ông Từ Lương: Có ba nhóm người sử dụng MXH đưa tin sai sự thật: Nhóm thứ nhất là những người đưa tin hồn nhiên, không kiểm chứng và không có động cơ gì. Nhóm thứ hai là những người đưa tin có mục đích, chủ đích để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hoặc kiếm lời cá nhân. Nhóm thứ ba là đưa thông tin để gây hoang mang cho người khác nhằm phá hoại, gây mất ổn định trật tự trong xã hội.

Có sự xuất hiện những thông tin đồn đoán, sai sự thật về dịch Corona vì vấn đề này đang được người dân trong cả nước quan tâm, theo dõi. Việc đồn thổi những vấn đề đang được nhiều người quan tâm là đặc điểm không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới cũng bị tình trạng như thế.

. Ông đánh giá như thế nào về số vụ vi phạm đưa thông tin sai sự thật về tình hình dịch Corona đã và đang bị cơ quan chức năng xử lý ở cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng? Ông có lời khuyên gì đối với những người vi phạm?

+ Con số 170 vụ theo tôi là chưa phản ánh hết, thực tế có thể cao hơn. Bởi trên thực tế những thông tin sai lệch được chia sẻ rất cao, nhiều người tiếp nhận thông tin chưa có đủ kiến thức, chưa đủ năng lực để đánh giá tin thật hay tin giả.

Qua công tác kiểm tra, rà soát trên địa bàn TP.HCM thì Công an TP.HCM đã chuyển đến Sở TT&TT 14 tài khoản MXH, chủ tài khoản tung tin giả kèm theo địa chỉ nơi sinh sống của chủ tài khoản này. Đối với những tài khoản này, sở sẽ tổ chức làm việc và đã có giấy mời trong tuần sau.

Một thanh niên ở Đà Nẵng tự sửa kết quả mình bị nhiễm virus Corona rồi đăng lên mạng gây hoang mang dư luận, bị xử phạt 12,5 triệu đồng. Ảnh: H.HIẾU

Hiện nay, sở đã làm việc với hai tài khoản MXH của hai nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân và hai nghệ sĩ này đã đến làm việc với tinh thần rất tốt. Ngày 10-2 tới, sở sẽ tiếp tục làm việc với nghệ sĩ Cát Phượng với hành vi đưa tin sai sự thật về Corona trên MXH.

. Thái độ của các nghệ sĩ khi làm việc với sở như thế nào? Họ có lý giải vì sao lại đưa những thông tin thiếu kiểm chứng như vậy?

+ Thái độ làm việc của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng rất cầu thị, văn minh và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Diễn viên Ngô Thanh Vân cũng vậy.

Hai nghệ sĩ này rất có thiện chí, nhận ra cái sai và cam kết không tái phạm, sẽ sửa sai.

Lý do vi phạm của hai nghệ sĩ này là chưa hiểu biết việc đưa thông tin sai như vậy sẽ bị xử phạt.

. Thưa ông, ngày 15-4 thì Nghị định 15/2020 sẽ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, mức phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên MXH giảm so với hiện hành là từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với tổ chức, 5-10 triệu đồng đối với cá nhân (mức phạt hiện nay là từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân - theo Nghị định 174/2013). Ông đánh giá như thế nào về mức phạt theo quy định mới này?

+ Mức phạt này không đủ sức răn đe. Hành vi vi phạm này một khi xảy ra hậu quả rất lớn, có những người không chịu được những áp lực tác động từ thông tin sai, hoang mang dẫn đến tự tử.

Tuy nhiên, mục đích cao nhất của pháp luật là giúp người vi phạm nhận thức đúng, đầy đủ những hành vi của mình gây ra để khắc phục và không tái phạm. Từ đó, góp phần giúp họ nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng. Đây là mục đích cuối cùng của việc xử phạt chứ không phải cứ phạt cao là tốt. Nhằm giúp người dân nắm được nghị định mới này, Sở TT&TT đã đăng tải quy định mới trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Báo chí TP. Ngoài ra, sở cũng sẽ chủ động để chia sẻ thông tin đến các cơ quan báo chí nhằm tuyên truyền đến người dân.

Về phía Bộ TT&TT chắc chắn sẽ có buổi tập huấn toàn quốc để quán triệt tinh thần của nghị định xử phạt mới Nghị định 15. Sắp tới, sở sẽ phối hợp với Sở Tư pháp TP phổ biến pháp luật để tất cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nắm được quy định mới, qua đó điều chỉnh hành vi của mình trước khi ứng xử trên MXH.

. Xin cám ơn ông.

Người chia sẻ thông tin sai cũng phạm luật

. Phóng viên: Thưa ông, hành vi đăng thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt, riêng đối với những người chia sẻ thông tin của người đưa sai thì có bị xử lý không? Ông có lời khuyên nào cho người dùng MXH?

+ Ông Từ Lương: Trước tiên, chúng tôi tập trung xử phạt triệt để những tài khoản gốc đưa thông tin sai sự thật. Riêng với những tài khoản chia sẻ phát thông tin sai của người khác thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý tài khoản chia sẻ này thì cần nhiều nguồn lực về con người, thời gian và các thiết bị, máy móc, hơn nữa phải phối hợp nhiều cơ quan. Với tình hình như hiện này thì chúng ta chưa thể xử lý kịp.

Để tránh bị phạt vì thiếu hiểu biết, người dân nên cập nhật kịp thời những thông tin trên tất cả các kênh truyền thông đại chúng. Hiện nay, người dân có đầy đủ điều kiện tiếp cận những thông tin phong phú, đa dạng từ báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Người dùng MXH nên thận trọng tiếp nhận và đưa ra những thông tin chính xác, đừng để một phút thiếu kiểm soát mà mang họa vào thân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm