Sở TN&MT TP.HCM lấy ý kiến cho giải pháp xử lý tiếng ồn

Sở TN&MT TP.HCM vừa có văn bản gửi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, các sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP góp ý dự thảo văn bản chỉ đạo của UBND về tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan tại cuộc họp ngày 9-3 về đề xuất các giải pháp xử lý vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM, Sở TN&MT dự thảo văn bản chỉ đạo của UBND TP về tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM.

Do tính cấp bách về việc giải quyết tiếng ồn nên Sở TN&MT đề nghị ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, các sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện góp ý dự thảo nêu trên và khẩn trương gửi về sở này trước ngày 15-3-2021.

Tiếng ồn từ karaoke tự phát là nỗi ám ảnh với nhiều người dân đô thị.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Gửi kèm văn bản đề nghị các đơn vị góp ý như trên là dự thảo tờ trình về tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý các vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn thành phố.

Theo dự thảo tờ trình, Sở TN&MT đã nêu về những thực trạng trong quá trình xử tiếng ồn; đồng thời, Sở đưa ra những đề xuất giải pháp cụ thể khắc phục những khó khăn, bất cập mà các địa phương đang gặp phải.

6 khó khăn vướng mắc khi xử lý tiếng ồn

Theo tờ trình, Sở TN&MT đã đưa ra sáu khó khăn vướng mắc mà các địa phương gặp phải trong quá trình xử lý vi phạm tiếng ồn.

- Do ý thức người dân chưa tuân thủ theo quy định pháp luật.

- Khi đối tượng vi phạm phát hiện đoàn kiểm tra đến thì người vi phạm đối phó bằng cách ngưng hoặc giảm âm lượng của loa phát để cường độ âm lượng đo được nằm trong mức cho phép.

- Việc người dân hát karaoke bằng loa kéo xảy ra trong khu dân cư và thường kéo dài sau 22 giờ. Do ngoài giờ hành chính nên UBND phường, xã, quận huyện khó khăn trong công tác kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời.

- Loa kéo hát karaoke là nguồn gây ồn không cố định, dễ di chuyển, dễ điều chỉnh khi cần có tính đặc thù nên pháp luật chưa quy định cụ thể trong việc xử lý.

- Về quy chuẩn giới hạn tiếng ồn hiện nay không quy định về mức độ ồn nền để làm căn cứ xác định mức độ ồn nên việc xử phạt của cơ quan chức năng chưa được thuyết phục. Đồng thời, hiện chưa có quy định về tần số ồn.

- Trong Nghị định 167/2013 hiện nay có mức phạt tiền thấp, chưa có tính răn đe cao (phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng). Tuy nhiên, để xử phạt theo nghị định 155/2016 thì đòi hỏi phải có kết quả đo đạt và kết quả này phải do đơn vị có chức năng thực hiện.

Để khắc phục những khó khăn và vướng mắc nêu trên, Sở TN&MT đã đưa ra các giải nằm tuyên truyền người dân nâng cao ý thức không vi phạm tiếng ồn

Kiến nghị sửa luật để xử phạt vi phạm tiếng ồn

Theo dự thảo tờ trình, Sở TN&MT nêu những kiến nghị đề xuất lên các bộ ngành liên quan nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc áp dụng quy định xử lý các hành vi vi phạm tiếng ồn.

Cụ thể, Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định 155/2016 theo hướng bổ sung thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn của UBND cấp xã; bổ sung nhóm hành vi vi phạm về tiếng ồn đối với loại hình sinh hoạt trong khu dân cư….

Ngoài ra, Sở TN&MT kiến nghị Bộ Công an tham mưu Chính phủ sửa đổi nghị định 167/2013 sửa theo hướng tăng mức phạt tiềng đối với hành vi vi phạm tiếng ồn. Đồng thời, không quy định về vi phạm tiếng ồn trong khung giờ từ 22 giờ đến 6 giờ như quy định hiện  hành.

Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo và giao cho Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp với Sở TN&MT nghiên cứu sử dụng thiết bị kỹ thuật số đối với việc hát karaoke, phát nhạc di động…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, các sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ góp ý dự thảo nêu trên và khẩn trương gửi về sở này trước ngày 15-3-2021.

4 nhóm gây tiếng ồn

Theo dự thảo, trên thực tế, nguồn gây tiếng ồn trong cộng đồng dân cư có thể được chia làm bốn nhóm đối tượng gây tiếng ồn. 

Nhóm 1: Tiếng ồn phát sinh từ hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường, bar...

Nhóm 2: Tiếng ồn phát sinh từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, ăn uống có sử dụng loa di động hát karaoke, phát nhạc (trong nhà hoặc ngoài trời)...

Nhóm 3: Tiếng ồn phát sinh từ sinh hoạt của người dân trong khu dân cư (sử dụng loa hát karaoke, phát nhạc trong nhà hoặc ngoài trời)...

Nhóm 4: Các loại hình kinh doanh có sử dụng loa phát thanh đế quảng cáo, giới thiệu sản phẩm...

Lãnh đạo TP.HCM: Không chấp nhận đô thị lớn mà tiếng ồn ra rả

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm