Sinh hai con gái, sẽ được thưởng tiền

Phóng viên: Chúng ta quan niệm nam nữ bình đẳng, nghiêm cấm xét nghiệm giới tính thai nhi vậy vì sao lại chủ trương khen thưởng, tuyên dương những gia đình một bề là nữ?

+ Bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM: Năm 2012, theo số liệu của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 112,3 trai/100 gái. Trong khi tỉ số giới tính khi sinh bình thường (không gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính) là 103-107 trai/100 gái. Hiện cả nước đã rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêng về trai và đã vượt ngưỡng báo động (từ 110 trai/100 gái trở lên). Để kéo giảm thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Tổng cục DS-KHHGĐ vừa đề xuất Chính phủ thưởng tiền cho gia đình sinh hai con một bề là gái.

Là giải pháp khuyến khích

. Kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực DS-KHHGĐ đã nhiều năm, bà có nghĩ rằng đề xuất của Tổng cục DS-KHHGĐ nếu được chấp thuận và thực hiện sẽ hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh?

+ Tôi nghĩ đây là một giải pháp, cho dù không phải giải pháp duy nhất quyết định nhưng sẽ góp phần rất lớn trong việc kéo giảm chênh lệch giới tính khi sinh hiện nay của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Bởi giải pháp này sẽ là nguồn động viên, khuyến khích thực tế đối với các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn, những cặp vợ chồng sắp có con, các cặp vợ chồng mới có một con là gái hoặc đã có hai con một bề là gái.

. Thưa bà, TP.HCM đã có thưởng những gia đình sinh hai con một bề là gái chưa?

+ Hiện nay thì chưa. Tuy nhiên, khi đề xuất của Tổng cục DS-KHHGĐ được chấp thuận thì ngành y tế, ngành dân số TP.HCM sẽ tham mưu Đảng bộ và UBND TP xây dựng, triển khai các văn bản chính sách hợp lý và tích cực nhằm thưởng những gia đình sinh hai con một bề là gái.

Sinh hai con gái, sẽ được thưởng tiền ảnh 1

Học sinh gái dễ thương đang say sưa đọc sách. Ảnh: TRẦN NGỌC

Mặc dù chưa có chính sách thưởng nhưng trong những năm qua, ngành dân số TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động và phối hợp các sở, ngành, đoàn thể nhằm tuyên dương những gia đình có hai con một bề là gái học giỏi, thành đạt... trong năm 2012 TP.HCM đạt mức tỉ lệ 106,2 trai/100 gái, ở ngưỡng an toàn.

Phải thay đổi nhận thức

. Ngoài thưởng tiền để khuyến khích sinh con gái, bà có kiến nghị gì thêm để hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh?

+ Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề liên quan đến hậu quả của mất cân bằng giới khi sinh, hậu quả của phá thai lựa chọn giới tính… cho mọi đối tượng. Bên cạnh đó, ngành y tế thường xuyên phối hợp các ngành chức năng kiểm tra những cơ sở văn hóa (nhà xuất bản, công ty phát hành sách, nhà sách, trang web…) có xuất bản và lưu hành những ấn phẩm chứa đựng nội dung hướng dẫn, tuyên truyền, quảng bá việc lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh kiểm tra các cơ sở y tế có trang bị máy siêu âm chẩn đoán sản phụ khoa, sử dụng các kỹ thuật y học để canh sinh con trai, cũng như phá thai lựa chọn giới tính. Ngoài ra, cần có các chính sách ưu tiên nữ giới trong lĩnh vực lao động nghề nghiệp và học tập. Thường xuyên tổ chức các tọa đàm, hội thảo, hội nghị để tuyên dương, khen thưởng các cặp vợ chồng có hai con một bề là gái học giỏi, thành đạt và hạnh phúc.

Trung Quốc, Hàn Quốc: Làm rất mạnh

. Hiện nay có quốc gia nào mất cân bằng giới tính khi sinh như ở Việt Nam? Họ thực hiện những giải pháp nào để kéo giảm tình trạng nói trên, thưa bà?

+ Trung Quốc và Hàn Quốc rơi vào thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh giống như Việt Nam. Năm 1981, tỉ số giới tính khi sinh của Trung Quốc là 108. Đến năm 2005, con số này là 121. Tỉ số giới tính khi sinh ở Trung Quốc cao trong ba thập niên qua đã và đang gây ra tình trạng thừa nam thiếu nữ nghiêm trọng ở độ tuổi kết hôn.

Để giải quyết thực trạng trên, Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động về bình đẳng giới. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách hướng đến lợi ích của trẻ em gái và gia đình họ trong sáu lĩnh vực: sinh đẻ và nuôi dạy trẻ mạnh khỏe, giáo dục trẻ, trợ giúp trẻ tránh rủi ro, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát triển gia đình toàn diện, an sinh tuổi già. Hỗ trợ tiền ngay các gia đình khi sinh con gái. Các bé gái đi học được miễn học phí. Họ còn có chính sách “tình thương”, nghĩa là các cán bộ cấp thôn, xã, huyện phải hỗ trợ các gia đình sinh con một bề nữ. Khi chia nhà, các gia đình sinh con gái được thêm một suất. Bố mẹ của những người sinh con gái khi về già nếu không có lương hưu sẽ được Nhà nước chu cấp cho mỗi người 600 nhân dân tệ Trung Quốc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chính sách liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi, đặc biệt là siêu âm xác định giới tính thai nhi và nạo phá thai vì lý do giới tính.

Đối với Hàn Quốc, tỉ số giới tính khi sinh tăng lên mức cao nhất là 116 vào năm 1990, sau đó giảm dần tới mức bình thường là 106 vào năm 2005 nhờ thực hiện các chương trình can thiệp hiệu quả. Hàn Quốc nghiêm cấm các hình thức chẩn đoán giới tính thai nhi. Từ năm 1994, Hàn Quốc quy định phạt tiền 10.000 USD và tù giam ba năm đối với nhân viên y tế cung cấp thông tin về chẩn đoán giới tính thai nhi. Hàn Quốc đã hủy bỏ luật chỉ có nam giới mới được thừa kế mà cả con trai lẫn con gái đều được thừa hưởng như nhau, khuyến khích phụ nữ tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, tạo điều kiện huy động lực lượng lao động nữ, mở rộng ngành nghề phụ nữ có thể tham gia...

. Xin cảm ơn bà.

Trong năm 2012, nhân ngày Dân số Việt Nam (26-12), Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình tổ chức khen thưởng 32 gia đình sinh con một bề là gái tiêu biểu và tặng phần quà trị giá khoảng 1 triệu đồng cho mỗi gia đình. Những gia đình được vinh danh cảm thấy hãnh diện, tự hào khi có hai con là gái vừa ngoan, vừa thành đạt. Việc làm nói trên ít nhiều cũng đã tác động tư duy phải có con trai của nhiều gia đình. Năm 2013, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình tiếp tục khen thưởng những gia đình sinh con một bề là gái điển hình. Tôi ủng hộ đề xuất thưởng tiền cho những gia đình sinh con một bề là gái của Tổng cục DS-KHHGĐ để hạn chế mất cân bằng giới tính như hiện nay.

Bà NGUYỄN THỊ HUÊ, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng  Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình

Tôi rất tự hào với hai con gái

Khi đứa con thứ hai cũng là gái ra đời, nhiều người chê tôi không biết đẻ con và có cái nhìn không mấy thiện cảm. Mặc, vợ chồng tôi cặm cụi làm việc, nuôi dạy con. Hai đứa con gái thương ba má vất vả, cố gắng học hành và nay đều thành bác sĩ. Cách nhà tôi không xa có gia đình có hai con trai. Người cha đi đâu cũng khoe sau này có người nối dõi tông đường. Do được cưng chiều nên cả hai không lo học, chỉ tụ năm tụ ba phá làng quậy xóm. Đến nay đã thành niên nhưng cả hai chẳng nghề ngỗng, ăn bám mẹ cha. Hai vợ chồng rầu thúi ruột, lắc đầu thở dài. Hóa ra trai hay gái cũng là con, quan trọng là sự giáo dục của gia đình. Tôi rất tự hào khi nhắc đến hai con gái của tôi.

Bà VÕ THỊ ẤN,29/3 bis, khu phố 10, phường Tân Chánh Hiệp,  quận 12 (TP.HCM)

TRẦN NGỌC thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.