Sẽ phạt nặng các ‘ông chủ’ chậm trả lương

Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra dự thảo nghị định  xử phạt vi phạm hành chính về lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đang lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 16-5 để hoàn thiện.

Bảo vệ nhiều quyền lợi cho NLĐ

Theo dự thảo, người sử dụng lao động (SDLĐ) sẽ bị phạt tiền 5-50 triệu đồng nếu trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện. Ngoài ra, hành vi không gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định, người SDLĐ cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000-1 triệu đồng.

Đối với hành vi huy động NLĐ làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định là 200 giờ/năm và 300 giờ/năm trong trường hợp đặc biệt hoặc quá 12 giờ trong một ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết sẽ bị xử phạt 5-75 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng NLĐ bị vi phạm.

Những người SDLĐ huy động từ 101 NLĐ trở lên làm thêm quá thời gian quy định, ngoài xử phạt hành chính còn sẽ bị hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động 1-3 tháng. Dự thảo còn quy định nếu người SDLĐ không bảo đảm cho NLĐ nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng… sẽ bị xử phạt 2-5 triệu đồng.

Siết quản lý lao động nước ngoài

Với dự thảo lần này, NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật hoặc sử dụng giấy phép đã hết hạn sẽ bị trục xuất.

Phạt tiền 30-75 triệu đồng đối với người SDLĐ sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng NLĐ nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn, đồng thời sẽ bị đình chỉ hoạt động 1-3 tháng.

Người SDLĐ có hành vi làm giả, sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để trục lợi chế độ BHXH, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng/hồ sơ hưởng BHXH, BHTN sai phạm.

Về thẩm quyền xử phạt được quy định cho chủ tịch UBND cấp xã/huyện, thanh tra lao động, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cục trưởng Cục An toàn lao động, cơ quan BHXH.

Phạt 10-20 triệu nếu xử lý kỷ luật “bà bầu”

Người SDLĐ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng nếu không tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ; không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời kỳ kinh nguyệt.

Phạt tiền 10-20 triệu đồng nếu người SDLĐ sử dụng lao động nữ mang thai từ tháng thứ bảy hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm, đi công tác xa; xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực lao động khá đầy đủ và rất phù hợp với thực tế. Ở các quy định khác như Luật BHXH mới, Luật An toàn, vệ sinh lao động tuy có đưa ra nhiều hành vi vi phạm nhưng không đưa ra mức xử phạt nên ít được chú ý. Nếu nghị định được áp dụng thì rất nhiều quyền lợi của NLĐ sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, trên thực tế tôi thấy có một rào cản là nếu đứng hẳn về phía NLĐ thì có khi quyền lợi của công ty bị ảnh hưởng nên xử lý phải chính xác, thấu lý đạt tình mới được”.

Ông NGUYỄN VĂN THÀNH, Chủ tịch công đoàn một công ty tại TP.HCM

Tôi muốn biết khi NLĐ phát hiện những vi phạm của doanh nghiệp thì họ sẽ trực tiếp báo cho các ngành chức năng hay chỉ khi nào cơ quan chức năng phát hiện vấn đề thì mới xử lý? Ngoài ra, nếu người SDLĐ bị phạt nhiều lần mà không khắc phục thì có biện pháp nào nữa không?

Chị THÁI THỊ CẨM HỒNG, công nhân may tại Khu công nghiệp Tân Tạo, Bình Tân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm