Sẽ có nhiều ông Đoàn Ngọc Hải ‘rút kiếm’ cho coi!

Mục đích của việc vận động là chấm dứt tình trạng xả rác tràn lan trong thời gian dài gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, gây tắc hệ thống thoát nước trên kênh rạch, làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của mọi người.

Lần này đã có nhiều giải pháp được đề ra như: điều chuyển các điểm, trạm trung chuyển rác; tăng cường xử lý hành chính các đường dây thu gom rác không đảm bảo thời gian, tần suất thu gom; tăng cường chế tài những hành vi xả thải sai quy định… Những tính toán theo nhiều hướng này rất đáng được ghi nhận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ.

Điều mà chúng tôi muốn được lưu ý thêm cách thức thực hiện để rèn dần ý thức giữ gìn vệ sinh chung của cộng đồng. Bởi lẽ việc kêu gọi người dân không xả rác không chỉ khu dân , kênh rạch mà còn là ở nhiều nơi khác thì nào giờ chính quyền các nơi và báo, đài làm hoài. Mức độ thông tin của báo, đài càng đậm đặc hơn mỗi khi Chính phủ ban hành quy định mới theo hướng tăng tiền phạt nhằm tăng tính răn đe. Kết quả là nhiều người mặc dù có thể không nhớ nghị định đó số mấy, ra năm nào nhưng chắc chắn nắm rõ xả rác ra đường, xuống cống… là sai trái, không được phép làm, là có thể bị phạt nhiều tiền.

Ngặt nỗi, biết sai phạm thì không đồng nghĩa là không vi phạm. Vì nhiều lý do mà chủ yếu là những hạn chế về ý thức, nhiều người vẫn cứ xả rác, gây ô nhiễm đủ loại. Và để ít bị phát hiện, tránh bị lực lượng chức năng “túm áo”, phạt vạ, nhiều người thường vi phạm trong lén lút, hoặc vào sáng sớm hoặc về đêm

Giờ phải tiếp tục vận động sự tự giác chấp hành để mưa dầm thấm đất là đã rõ. Thế nhưng như phân tích ở trên, nếu chỉ vận động thôi thì chẳng thể có tác dụng. Cùng với vận động thì chính quyền cần phải tổ chức truyền thông mạnh mẽ về việc thường xuyên phạt nghiêm trên thực tế tới mức thủng túi để số đông biết sợ mà không dám vi phạm, rồi dần dà trở thành một thói quen tốt.

Đây cách mà Singapore và nhiều nước tiến bộ khác đã thực hiện thành công để cả dân trong nước lẫn du khách mới bước chân vào địa phận luôn in sâu trong đầu về những điều bắt buộc phải tuân thủ để bảo đảm văn minh đô thị. Trong số đó có việc răm rắp trong mọi lúc, mọi nơi không bỏ một cọng rác làm bẩn môi trường.

Chi tiết hơn, các địa phương phải sớm tập trung tổ chức lại việc xử phạt theo hướng hễ có vi phạm là có phạt, đồng thời kết hợp chặt chẽ với báo, đài để truyền thông về việc phạt rát đó. Cách làm này từng giúp ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, ghi điểm trong dư luận. Tuy hành xử của ông Hải không hoàn toàn chuẩn xác ở nhiều trường hợp nhưng sự quyết liệt lập lại trật tự lòng lề đường của ông thông qua phản ánh kịp thời của báo chí đã tạo được nhiều hiệu ứng tích cực.

Còn nhớ vào đầu năm 2017, khi thông tin ông dẫn quân đi dọn dẹp ở phường này, phường nọ lan rộng thì nhiều người dân ở các nơi khác trong quận 1 và các quận ngoài đã chủ động tháo dỡ bậc tam cấp hay những vật dụng lấn chiếm khác để phường khỏi “rút kiếm”. Tiếc là sau một thời gian hô hào, quyết định xử phạt, cưỡng chế tháo dỡ nhiều trường hợp… thì quận 1 và nhiều quận khác đã mau chóng “hạ tông”, làm chiếu lệ, được chăng hay chớ… khiến sự mất trật tự đâu lại vào đó.

Không thể ngày một ngày hai mà nhiều người thay đổi được thói quen xả rác nên cuộc vận động trên sẽ được TP duy trì liên tục trong nhiều năm. Đồng ý vậy nhưng nếu các nơi có thêm nhiều ông Đoàn Ngọc Hải (của năm 2017) ở chỗ siêng phạt, phạt nhiều, phạt được trường hợp nào thì truyền thông đậm đà ngay trường hợp đó thì mới hy vọng tình hình mau chuyển biến và có hiệu quả lâu dài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm