Sang tên xe phải thật dễ!

Mất giấy đăng ký xe, phải làm sao?

Dù đọc đi đọc lại tin “Gỡ vướng xe qua nhiều đời chủ” (Pháp Luật TP.HCM ngày 11-12) nhưng tôi vẫn chưa rõ tới đây mình có làm được giấy đăng ký xe hay không. Số là tôi đang chạy chiếc xe 50 cc mua lại từ năm 2003. Lúc đó, người nhà tôi hơi đơn giản “không phải xe gian là được rồi” chứ không quan tâm đến việc sang tên xe. Tôi đã sử dụng xe với cà vẹt của người bán và sau nữa là đơn cớ mất giấy tờ xe khi tôi bị mất bóp.

Theo Tổng cục VII, người mua xe sau cùng có thể nộp đơn cam kết về nguồn gốc hợp pháp của chiếc xe và có thêm các thủ tục khác là được đăng ký xe. Vậy thủ tục khác là gì? Những trường hợp lỡ đánh mất giấy đăng ký xe như tôi và người đứng tên xe hiện ở đâu không rõ (có thể đã chết) thì phải làm thế nào? Tôi đề nghị Bộ Công an xem xét, hướng dẫn thêm chứ chẳng lẽ sau khi phạt xong thì để mặc những người muốn “chính chủ” như tôi nhưng không làm được tự “bơi”?

CẨM THÚY

Ai xác nhận mới đúng?

Tôi mua xe từ người bạn đã được hai năm và giờ cũng muốn đăng ký để không bị xử phạt theo Nghị định 71/2012 của Chính phủ. Thế nhưng chồng bạn tôi hay đi làm xa nên không thể cùng bạn tôi đi công chứng giấy bán xe và đây là lý do mà tôi chậm làm thủ tục sang tên xe.

Sang tên xe phải thật dễ! ảnh 1

Thủ tục đăng ký xe qua nhiều đời chủ là một trong những vấn đề được người dân quan tâm. Trong ảnh: Làm thủ tục sang tên xe tại Đội CSGT quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD

Nếu đã muốn đơn giản hóa thủ tục đăng ký xe theo hướng cho người mua giấy tay sau cùng làm cam kết thì Bộ Công an cũng nên đơn giản hóa thủ tục mua bán xe. Bởi lẽ nếu làm đúng theo quy định hiện hành thì muốn bán một chiếc xe chừng ít triệu cả hai vợ chồng phải cùng đi công chứng. Trong khi theo quy định cũ của Bộ thì chỉ cần chính người đứng tên xe đến UBND cấp xã chứng giấy bán xe là xong.

Tôi nghe nói một số công chứng viên linh động cho người bán xe tự cam kết xe là tài sản riêng để không phải dắt chồng/vợ theo nhưng liệu đây có phải là một cách “lách luật”? Tôi đề nghị Bộ Công an sớm có hướng dẫn thống nhất về việc này để mọi người dễ dàng thực hiện.

        NGUYỄN THY

Tôi làm việc tại UBND phường nên có một ý kiến để thông tư mới của Bộ Công an khớp với các quy định về chứng thực, công chứng. Theo dự kiến của Tổng cục VII, đơn cam kết nguồn gốc xe phải có xác nhận của công an cấp xã. Xin hỏi, công an xã sẽ xác nhận cái gì? Không thể xác nhận về nội dung vì công an xã không thể biết xe đó hợp pháp hay không. Vậy chỉ có thể là chứng thực chữ ký của người cam kết mà việc này thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã. Rất mong Bộ Công an lưu ý, hạn chế các hướng dẫn không rõ ràng hoặc chỏi nhau, gây khó cho việc thực thi.

hoangbaphong@...

Không nên nhờ người khác đứng tên giùm

Gửi thư đến Pháp Luật TP.HCM, bạn đọc thanhthien2000@... nêu thắc mắc: “Bốn năm trước, tôi có mua chiếc xe máy và nhờ người anh kết nghĩa đứng tên nhưng không may sau một năm người anh này qua đời. Khi tôi đi làm giấy mua bán xe thì công chứng viên yêu cầu tôi phải được sự đồng ý bằng văn bản của những người thừa kế của người đứng tên xe. Do các anh chị em của người chết ở nhiều nơi nên đến giờ tôi vẫn chưa làm xong thủ tục. Có cách nào đơn giản hơn không?”.

Ông Phan Văn Cheo, Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM, trả lời: Có thể trên thực tế có việc đứng tên giùm như bạn trình bày nhưng pháp luật chỉ thừa nhận người đứng tên trên giấy đăng ký xe là chủ sở hữu xe hợp pháp. Nếu người đứng tên xe qua đời không có di chúc thì chiếc xe đó thuộc sở hữu của những người thừa kế theo pháp luật của người chết. Những người thừa kế này (hàng thứ nhất gồm có: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; hàng thứ hai được hưởng nếu hàng thứ nhất không còn ai gồm có: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột… của người chết) phải đến các cơ quan công chứng lập văn bản khai nhận di sản. Tiếp nữa, những người đồng thừa kế có thể đi công chứng hợp đồng ủy quyền cho một người được thay mặt họ làm hợp đồng chuyển nhượng xe. Sau khi làm xong hợp đồng mua bán xe thì người mua mới có thể nộp hồ sơ sang tên xe tại công an cấp huyện. Các thủ tục này hoàn toàn phù hợp với các quy định chung của Bộ luật Dân sự và không ai có thể làm khác hơn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh việc nhờ người khác đứng tên giùm thì có khoảng 30% trường hợp mua xe bằng giấy ủy quyền. Có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau nhưng rõ ràng cách thức mua xe như thế không đúng quy định, chứa đựng nhiều rủi ro nên mọi người không nên làm. Dễ thấy nhất là khi người đứng tên xe qua đời thì người mua phải đối mặt với nhiều thủ tục phức tạp hơn rất nhiều lần so với việc trực tiếp đứng tên xe hoặc sang tên ngay sau khi mua.                   

T.TÂM ghi

Được đến xã nếu chưa có tổ chức công chứng

Tại Công văn số 4697 ngày 7-6-2012, Bộ Tư pháp hướng dẫn: Theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc bán, tặng, cho xe của cá nhân là một giao dịch dân sự. Do đó, giấy bán, tặng, cho xe của cá nhân là hợp đồng dân sự và được chứng nhận tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp huyện đối với hợp đồng giao dịch có giá trị dưới 50 triệu đồng.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn và để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, việc chứng thực hoặc công chứng giấy bán, tặng, cho xe của cá nhân có thể vận dụng thực hiện theo Thông tư 03/2008 của Bộ Tư pháp. Theo đó, thẩm quyền chứng thực giấy tờ này có thể được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã đối với những huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm