Ruộng khô, nhà nứt vì mỏ đá

Thời gian qua, hơn 100 hộ dân ở gần khu vực mỏ đá vôi thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế luôn sống trong tình trạng lo lắng, bất an vì bị ảnh hưởng nặng nề bởi quá trình khai thác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm đóng tại huyện Phong Điền đã thuê Công ty Tân Việt Bắc khai thác mỏ đá vôi tại địa điểm trên với sản lượng đến hơn 1 triệu tấn/năm.

Hơn 100 ngôi nhà dân bị nứt nẻ

Mỏ đá này được khai thác vào năm 2014 và từ đó cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở đây đã bị xáo trộn. Việc nổ mìn khai thác tại mỏ khiến cả khu vực dân cư lân cận rung chuyển, nhiều căn nhà có nền móng yếu bị nứt nẻ nhiều chỗ.

Ông Trần Văn Lô, người dân thôn Xuân Lộc, bức xúc nói: “Do khai thác âm dưới đất nên gây ra chấn động rất lớn. Nhà cửa của bà con trong thôn mỗi ngày lại nứt nẻ nhiều hơn. Chúng tôi ai cũng sợ nhà sập đến mất ăn mất ngủ”.

Đó là chưa kể việc nổ mìn gây áp lực khiến đất đá văng khắp mặt ruộng của những cánh đồng gần đó khiến người dân không thể canh tác được. Hoa màu cũng chết héo do khói thuốc nổ và nước ngầm cạn kiệt.

“Gia đình tôi sống nhờ vào đồng áng nhưng từ khi có mỏ đá thì ruộng vườn phải bỏ hoang. Chúng tôi đã phải tìm nghề khác mưu sinh” - bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân, chia sẻ.

Nhiều người cũng lo ngại sức khỏe bị ảnh hưởng do khu vực này luôn bụi bặm mù mịt vì xe chở đất đá di chuyển liên tục qua khu dân cư.

Xe vận chuyển đá gây ô nhiễm (ảnh lớn) và tường nhà dân nứt nẻ, nguy hiểm (ảnh nhỏ). Ảnh: N.DO

Cần có giải pháp lâu dài

Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết đầu tháng 11 huyện đã tổ chức buổi đối thoại với người dân xã Phong Xuân.

Dịp này người dân phản ánh có 127 công trình và nhà ở nằm trong phạm vi 500 m bị ảnh hưởng, rạn nứt; ruộng đất nằm sát mỏ bị mất nước; các hộ dân sinh sống gần tuyến đường băng tải bị ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi…

Trước đó, từ năm 2017 đến nay xã Phong Xuân đã phối hợp với Công ty Đồng Lâm khảo sát nhằm hỗ trợ cho dân theo hai hướng: Hỗ trợ tiền cho người dân tự sửa chữa nhà hoặc để công ty thực hiện sửa chữa. Công ty đã chi hỗ trợ cho 106 hộ dân, đình làng, nhà văn hóa gần 500 triệu đồng để người dân tự sửa chữa; đồng thời sửa chữa cho 19 nhà dân với tổng số tiền là 580 triệu đồng. Tại buổi đối thoại, người dân cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời vì hoạt động nổ mìn vẫn sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống của họ. Bà con có nguyện vọng được di dời, tái định cư đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.

Đồng tình, ông Nguyễn Đại Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phong Điền, nhận định bức xúc của người dân là hợp lý. Về lâu dài phải hướng tới việc di dời tái định cư cho các hộ nằm trong tầm bán kính bị ảnh hưởng; các hộ khác cần được theo dõi để hỗ trợ kịp thời. “Mục đích phải làm sao cho cả người dân sinh sống yên ổn và công ty hoạt động ổn định” - ông Vui nói.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết huyện đã đưa ra phương án yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với Công ty Đồng Lâm đánh giá lại tác động ảnh hưởng đến nhà ở để hỗ trợ thích đáng cho người dân; có phương án di dời những hộ dân sống trong khu vực bán kính 300 m.

Đối với đồng ruộng không thể canh tác thì Phòng TN&MT đang tổ chức đề án thay đổi cây trồng cho phù hợp.

Huyện đã làm việc, đề xuất việc giảm tần suất nổ mìn hay dùng các công nghệ hiện đại nhằm giảm ảnh hưởng của việc nổ mìn đến môi trường xung quanh. Công ty Đồng Lâm cho biết tới đây sẽ triển khai công nghệ vào việc nổ mìn để giảm thiểu tác động tiêu cực từ quá trình khai thác mỏ đến người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm