Rộng cửa đòi bồi thường ô nhiễm môi trường

Vì sao các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của nhiều dự án rất bài bản nhưng khi đưa vào hoạt động vẫn gây ô nhiễm nghiêm trọng? Nhiều đại biểu đã đưa ra kiến nghị thiết thực nhằm khắc phục những bất cập hiện nay tại buổi góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) vừa qua.

Dân than, cán bộ ngán vì quy định bất cập

“Người dân phản ánh rất nhiều về các cơ sở, nhà máy gây ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe. Nhưng cán bộ đến lấy mẫu thì nói nằm trong mức độ cho phép. Đoàn kiểm tra quay về, người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện” - ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, phát biểu.

Đại diện UBND quận 12 cho rằng quy định hiện hành nêu danh mục nhiều ngành nghề như sản xuất có chất dễ cháy nổ, chất độc hại, phát tán mùi, gây ồn, bụi… khi nằm trong khu dân cư phải có khoảng cách an toàn. Tuy Luật BVMT đã ban hành gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về “khoảng cách an toàn” ra sao. “Hiện chúng tôi phải theo đuôi giải quyết những khiếu kiện của dân nhưng được một thời gian thì đâu lại vào đó. Do vậy, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể những ngành nghề nào không được đặt trong khu dân cư để không làm khổ người dân và cả doanh nghiệp” - vị này nói.

 
Nhiều đại biểu kiến nghị cần có những hình thức chế tài đủ mạnh như đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm nhiều lần. Trong ảnh: Lực lượng chức năng đang khám nghiệm hiện trường một vụ xả nước thải ra sông. Ảnh: CTV

Là đơn vị đầu ngành quản lý môi trường nhưng ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cũng đồng tình nhiều quy định hiện nay không mang lại hiệu quả thực tế. “Bản thân tôi không đồng tình với cơ chế lập, thẩm định và phê duyệt ĐTM hiện nay. Bởi nhiều ĐTM viết rất hay, rất đẹp nhưng khi đi vào hoạt động vẫn cứ gây ô nhiễm và gây… bí cho cơ quan quản lý. Việc sửa đổi lần này cần đảm bảo ĐTM phải là công cụ để khuyến cáo cho nhà quản lý và ông chủ có nên đầu tư vào dự án hay không” - ông Phước nói.

Thượng tá Đặng Mạnh Liêu, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, nói: “Máy thủy đã qua sử dụng chứa nhiều thành phần ô nhiễm thuộc loại nguy hại như đất, dầu nhớt. Theo danh mục chất thải nguy hại do Bộ TN&MT ban hành thì đây là chất thải nguy hại nhưng dù không có sổ chủ nguồn thải nguy hại, đề án BVMT… chúng tôi cũng không xử lý được vì nghị định của Chính phủ lại cho phép nhập. Tương tự, Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi nhưng thiếu các hướng dẫn cụ thể nên khó áp dụng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm về môi trường”.

Đa dạng kênh giải quyết tranh chấp

Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, hiện sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương nhưng con sông lại là nơi tiếp nhận một lượng nước xả thải lớn. Điều này khiến việc xử lý nước tốn kém mà vẫn chưa chắc đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. Trong khi độc chất môi trường là nguồn gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo, ảnh hưởng đến giống nòi. Ông khuyến nghị bổ sung những điều khoản rõ ràng hơn, không được sử dụng hóa chất độc hại hoặc tích tụ độc hại.

Từ đó, nhiều đại biểu kiến nghị cần có những hình thức chế tài đủ mạnh như đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm nhiều lần.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Chí Nguyên (Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn) cho rằng dự luật quy định tính thời hiệu khởi kiện là thời điểm phát hiện thiệt hại là hợp lý. Tuy nhiên, có những thiệt hại rất khó xác định được nguyên nhân, đặc biệt là ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm đất… mà người bị thiệt hại phần lớn không có điều kiện để chứng minh, dẫn đến việc khởi kiện không được thụ lý. Do đó, cần cân nhắc lại thời hiệu khởi kiện là hai năm. “Trong cơ chế giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường cần đa dạng hơn. Bên cạnh cơ chế tố tụng tòa án nên có thêm cơ chế thương lượng, hòa giải hay thông qua trọng tài. Về lâu dài cần xây dựng cơ chế đại diện cho những người dân bị thiệt hại để đòi bồi thường thiệt hại” - ông Nguyên kiến nghị.

MINH PHONG

 

Làm tốt hơn “chuẩn” để khỏi rủi ro

Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cho rằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cần thực hiện những yêu cầu cao hơn so với luật định, nếu không sẽ gánh hậu quả. “Trước đây, khi xây dựng nhà máy vừa tráng nhựa xong thì có quy định buộc tách nước mưa và nước thải nên phải làm lại. Rút kinh nghiệm, chúng tôi chủ động xây dựng hệ thống xử lý nước thải với tiêu chuẩn cao hơn cho phép để không phải tốn kém thêm chi phí. Chất lượng nước sau xử lý đạt chuẩn được sử dụng lại, coi như đã khấu hao đủ cho chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải” - đại diện Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm