Rắn hổ chúa gây rắc rối pháp lý

Ngày 13-10, xã Phú Đức (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) trao 1 triệu đồng tiền hỗ trợ nhằm động viên bà con đã bắt con rắn “khủng” rồi giao cho cơ quan chức năng. Vụ việc xem như có một kết thúc “vẹn cả đôi đường” khi mà trước đó ngành kiểm lâm cho biết việc người dân yêu cầu có chi phí bồi dưỡng công sức bắt rắn là nằm ngoài khả năng của ngành và không có tiền lệ…

Hổ mang chúa quý hiếm

Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, ngày 9-10, người dân bắt được con rắn hổ mang chúa - loài nằm trong danh sách động vật hoang dã quý hiếm được bảo vệ, với chiều dài hơn 3 m, nặng trên 6 kg. Sau hơn bốn ngày công an xã canh giữ vất vả và chịu nhiều áp lực, cuối cùng ngành chức năng đã đưa con rắn “khủng” nói trên về Trại rắn Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang).

Cụ thể trong ngày 9-10, Công an xã Phú Đức (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) tiếp nhận con rắn màu đen khoang vàng, vẩy ánh bạc xanh, dưới lườn màu vàng do người dân bắt được giao nộp. Phía người dân kể thêm là sáng cùng ngày, họ phát hiện rắn đang nằm lẫn trong khu vực chứa các bao phân bón ở nhà một hộ dân. Mọi người vây bắt, xỏ dây kẽm khóa miệng rắn, mang giao nộp công an.

Con rắn hổ mang chúa “khủng” bị người dân bắt giao cho cơ quan chức năng. Ảnh: GT

Tiếp đó, thông tin được báo cho lực lượng kiểm lâm Đồng Tháp. Qua kiểm tra sơ bộ, kiểm lâm xác định con rắn lạ là rắn hổ mang chúa nằm trong danh mục động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ.

Từ ngày 9 đến 13-10, có rất đông người dân hiếu kỳ đổ dồn về trụ sở Công an xã Phú Đức để xem rắn. Lực lượng chức năng rất vất vả để cắt cử người canh giữ. Khi công an định chuyển con rắn cho lực lượng kiểm lâm thì bị người dân cản lại, yêu cầu chi tiền bồi dưỡng công bắt rắn. Do không thống nhất được nên con rắn vẫn tạm thời ở lại trụ sở công an. Con rắn hổ mang chúa dù sau hơn bốn ngày bị bắt nhốt, bị xuyên sợi kẽm sắt khóa miệng nhưng vẫn còn dai sức và tỏ ra hung hãn khi có người lạ thọc, ngoáy. 

Kiểm lâm thiếu tiền hỗ trợ

Trước các thông tin trên, chiều 13-10, Pháp Luật TP.HCM liên hệ với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp để hỏi thêm về hướng xử lý con rắn. Ông Nguyễn Tấn Phát - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Chúng tôi thuyết phục mãi đến sáng 13-10, người dân đồng ý cho lực lượng kiểm lâm chở con rắn đưa về giao lại cho Trại rắn Đồng Tâm (Quân khu 9) ở Tiền Giang. Trước đó thì người dân không chịu cho đi”.

Cũng theo ông Phát, sở dĩ kiểm lâm không thả rắn trở lại môi trường tự nhiên do trong quá trình bị người dân truy bắt, rắn đã bị thương, bị xuyên cọng sắt khóa miệng. Các vết thương này cần được chăm sóc. Trước kia kiểm lâm từng thả về môi trường tự nhiên một cá thể rắn nhưng sau đó đã biệt tích vì không thể thích nghi tại môi trường đã thả. Chưa hết, cá thể rắn này nguy hiểm cao nên cần giữ lại ở trại rắn.

Khi được hỏi về yêu cầu hỗ trợ tiền của người dân, Chi cục trưởng Nguyễn Tấn Phát thông tin: “Theo quy định, rắn hổ mang chúa là động vật hoang dã quý hiếm, cấm săn bắt. Bắt được phải giao nộp, không được cất giữ, nếu không sẽ bị xử lý hình sự. Còn việc đòi hỏi phải có tiền để chi trả công bắt thì đơn vị không có kinh phí. Mặt khác, luật cũng quy định ai đó nhặt tài sản có giá trị có thể được hỗ trợ nhưng trong trường hợp này, người dân bắt được động vật hoang dã quý hiếm nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ và trước nay cũng chưa có tiền lệ”.

“Về mặt quản lý nhà nước, kiểm lâm đã thực hiện theo đúng quy định và chức năng nhiệm vụ được giao. Tôi nghĩ nếu người dân đề đạt nguyện vọng được hỗ trợ chi phí công sức thì chính quyền địa phương nên xem xét để có hướng giải quyết” - Chi cục trưởng Nguyễn Tấn Phát nói.

Đến cuối giờ chiều 13-10, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đức (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) cho biết: “Trong sáng 13-10, khi lực lượng kiểm lâm có mặt để tiếp nhận rắn hổ mang, phía xã đã mời các hộ dân tham gia bắt con rắn này và giao nộp cho chính quyền lên để động viên. Sau đó xã cũng đã trao 1 triệu đồng tiền hỗ trợ cho bà con. Ban đầu có bốn hộ báo là tham gia bắt rắn nhưng khi lên chỉ có hai hộ, số hộ còn lại bận công chuyện không lên. Tuy nhiên, xã cũng thông báo rõ số tiền này là hỗ trợ chung cho cả bốn hộ. Trong số tiền đó có một phần của xã và một phần từ nguồn hỗ trợ của Vườn quốc gia Tràm Chim nhằm động viên tinh thần của mọi người đã tự giác bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm”.

Cần có chính sách khen thưởng, động viên

Người dân phát hiện con rắn lạ và thấy nguy hiểm nên vây bắt và giao nộp ngay cơ quan chức năng chứ hoàn toàn không đi săn bắt ở các khu vực cấm. Do đó với những trường hợp trên, sau này cơ quan chuyên môn cấp trên nên có quy định cụ thể việc khen thưởng để cấp cơ sở dễ dàng áp dụng. Qua đó góp phần cũng khuyến khích, động viên người dân trong việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm chứ nếu giả sử người dân thấy không có lợi gì rồi đánh chết con rắn thì đâu còn gì để bảo vệ…

Ông VÕ VĂN PHÚC, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đức
(huyện Tam Nông, Đồng Tháp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm